Phóng viên Người đồng hành đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBCK Nhà nước Vũ Bằng về thực trạng TTCK cũng như giải pháp của cơ quan quản lý để phát triển TTCK trong thời gian tới.
Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK Nhà nước
PV: Thưa ông, quý I tăng trưởng GDP vượt kỳ vọng, đánh giá của nhiều tổ chức trong và ngoài nước về kinh tế khả quan nhưng TTCK có diễn biến thiếu tích cực. UBCK đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Ông Vũ Bằng: Trong thời gian qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục có sự cải thiện tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2015 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua; lạm phát được kiềm chế, hoạt động kinh doanh có bước cải thiện…đây là kết quả của những nỗ lực liên tục của Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp. Điều này tạo nền tảng tốt cho sự phát triển TTCK về lâu dài.
Tuy nhiên, TTCK có diễn biến thiếu tích cực, điều này theo chúng tôi do một số nguyên nhân cơ bản sau.
Thứ nhất, dòng tiền nói chung cho TTCK trong thời gian qua đã bị hạn chế do các tổ chức trung gian tài chính đang phải kiểm soát lại dòng vốn do phải tuân thủ theo Thông tư 36.
Thứ hai, về quốc tế, kinh tế Mỹ có sự phục hồi khiến Fed đánh tín hiệu về khả năng thu hẹp gói nới lỏng định lượng và đẩy lãi suất tăng; đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác. Điều này khiến dòng vốn toàn cầu có sự dịch chuyển.
Trong nước, kinh tế còn có những khó khăn do vấn đề áp lực tỷ giá VND/USD; nợ xấu ngân hàng; việc tái cấu trúc tài chính – ngân hàng còn chưa kết thúc và có tác động tiêu cực tới thị trường.
Cuối cùng, do tâm lý của NĐT trên thị trường cũng chưa tích cực khi các tín hiệu tốt thực sự chưa nhiều.
TTCK và tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước được cho có quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo đánh giá, TTCK kém hấp dẫn là nguyên nhân khiến cho tiến trình CPH DNNN bị chậm lại. Ngược lại, nhiều tổ chức cho rằng việc triển khai kế hoạch IPO kéo dài, không có hàng hóa tốt giảm sự hấp dẫn của TTCK. Với vai trò là cơ quan quản lý, UBCK đánh giá thế nào về thực trạng này? UBCK có giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc trên?
Theo tôi, quá trình cổ phần hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả 2 vấn đề chính là sự hồi phục của TTCK và dòng tiền cho hoạt động cổ phần hóa và phương thức, chất lượng hàng hóa, tỷ lệ chào bán ra bên ngoài, thời điểm chào bán….
Trong năm 2014 số doanh nghiệp thực hiện đấu giá CPH và thoái vốn qua hai Sở gấp 1,4 lần so với tổng số các doanh nghiệp đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn trong cả 3 năm 2011-2013 với số tiền bán được gấp 8 lần so với năm 2013 và 32 lần so với năm 2012.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2015, công tác CPH, thoái vốn đầu tư nhà nước có khó khăn, có 35 DNNN đấu giá CPH và thoái vốn với khối lượng cổ phiếu chào bán là 483 triệu cổ phiếu; tỷ lệ số cổ phiếu bán chỉ đạt 25% với tổng giá trị tiền thu được đạt 2.282 tỷ đồng.
Trong khi đó thời gian tới cần lượng vốn lớn khi dự kiến cổ phần hóa 289 doanh nghiệp, SCIC dự kiến thoái vốn trên 300 doanh nghiệp.
Để xử lý thách thức trên trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp như khơi thông dòng vốn trong nước và ngoài nước bao gồm: (1) Tiếp tục triển khai các bước và giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI; (2) sửa đổi các quy định nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp theo cam kết WTO; (3) triển khai các sản phẩm NVDR, sản phẩm chứng khoán phái sinh; (4) Tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài; (4) Nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu Nhà nước; (5) phối hợp với các bộ ngành xây dựng quỹ hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí bổ sung.
Đồng thời cần triển khai các giải pháp linh hoạt hơn, có sự kết hợp giữa dòng vốn ngắn hạn và vốn dài hạn trên thị trường.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt và tháo gỡ đối với công tác cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt là việc ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg hướng dẫn một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, UBCK đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, theo đó đưa các quy định gắn quá trình cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK để đảm bảo sau khi đấu giá thành công, cổ phiếu được đăng ký giao dịch, niêm yết trên SGDCK trong thời gian sớm nhất; nghiên cứu bán đấu giá trọn lô, thay đổi phương thức quản trị công ty; doanh nghiệp không cần nắm giữ sẽ bán ra bên ngoài với tỷ lệ nhiều hơn nhằm tạo sự hấp dẫn; tăng cường lựa chọn cổ đông chiến lược nhằm nâng cao quản trị công ty sau cổ phần hóa; thực hiện tháo gỡ vướng mắc khác nhằm rút gọn thời gian thực hiện IPO.
TTCK được coi là kênh huy động vốn dài hạn nhưng thực tế tại Việt Nam lại dựa vào thị trường tiền tệ, thậm chí phụ thuộc nhiều vào quyết định từ chính sách tiền tệ. Quan điểm của UBCK về vấn đề này như thế nào?
Cấu trúc trên thị trường tài chính bao gồm vốn ngắn hạn (qua hệ thống ngân hàng) và vốn dài hạn (qua thị trường chứng khoán).
Qua TTCK, nguồn vốn ngắn hạn có thể chuyển thành vốn dài hạn nhờ vào sự luân chuyển thường xuyên các nguồn vốn ngắn hạn và tạo kênh huy động vốn dài hạn. Do vậy, giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn dài hạn có mối quan hệ liên thông, phụ thuộc lẫn nhau.
Trong thời gian qua, sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng giai đoạn vừa qua đã nhờ rất nhiều vào sự phát triển của TTCK để huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, tăng vốn chủ sở hữu như vào năm 2010 trước yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng và ngay cả hiện nay khi các NHTM phải tăng thêm vốn điều lệ.
Ở Việt Nam, thị trường vốn dài hạn còn khiêm tốn so với thị trường tiền tệ nhưng đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đến nay giá trị dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 22%GDP; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 32%GDP.Như vậy, tính chung quy mô thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 54%GDP (tương đương ½ so với dư nợ tín dụng).
Quan điểm của UBCK là cần có sự quản lý dòng vốn từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh chung của hệ thống tài chính, hạn chế sở hữu chéo, bảo đảm sự minh bạch.
Tuy nhiên, do 2 thị trường có sự liên thông, phụ thuộc và quan hệ chặt chẽ với nhau, do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ.