15 năm chứng khoán Việt Nam: Từ “cận biên” lên “mới nổi”

(NDH) Tờ Telegraph của Anh đánh giá các nhà tạo lập chỉ số MSCI có thể sắp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi" ( merging market), một sự thay đổi sẽ làm cho Việt Nam đủ điều kiện cho một sân chơi rộng lớn hơn cho giới đầu tư

Năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 15 chính thức đi vào hoạt động. So với đời người, tuổi 15 là bắt đầu giai đoạn thanh niên với sức vươn mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhìn vào trăm năm phát triển TTCK trên thế giới, chứng khoán Việt Nam mới chỉ đang chập chững tập đi. Dù vậy, nhìn lại 15 năm hình thành phát triển, những người làm trong ngành chứng khoán đầy tự hào mà cũng nhiều trăn trở.

15 năm thăng trầm

Tháng 7/2000, TTCK Việt Nam chính thức hoạt động với 6 công ty chứng khoán và 4 doanh nghiệp niêm yết cùng vài trăm nhà đầu tư, những người đầu tiên có khái niệm về đầu tư chứng khoán

Sau 15 năm, nhiều công ty chứng khoán thành lập từ những ngày đầu đã kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu thậm chí ngấp nghé phá sản nếu như không được ngân hàng mẹ hỗ trợ.

Chỉ có SSI với 6 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu cùng 2 nghiệp vụ đầu tiên là môi giới và tư vấn đầu tư thì đến tháng 6/ 2015 đã tăng lên trên 4.200 tỷ đồng, gấp hơn 700 lần.

Nhớ lại ngày đó, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn, một trong 6 CTCK đầu tiên nói: “Tôi cũng không thể tưởng tượng được TTCK lại phát triển như bây giờ”.

Sự lớn mạnh đó của SSI không chỉ nhờ thị trường phát triển mà còn đến từ chính sách quản trị rủi ro theo hướng bền vững, gắn với tôn chỉ hoạt động minh bạch, hiệu quả. Đã có thời điểm, thị phần môi giới tại SSI rớt xuống hạng 2, hạng 3 do công ty không cung cấp dịch vụ, sản phẩm có độ rủi ro cao.

Tuy nhiên, chính sự cẩn trọng và quyết liệt thực hiện theo đúng định hướng “bảo vệ nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro công ty”, SSI vững vàng vượt qua biến động thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn của SSI luôn ở mức cao, tính đến 31/12/2014 đạt 491%. Thậm chí, mặc dù có thể cung cấp 6.000 tỷ đồng margin, nhưng hiện tại SSI chỉ sử dụng 2.000 – 2.500 tỷ đồng

Kết quả, từ CTCK có vốn điều lệ nhỏ nhất trong nhóm đầu tiên, SSI đã vươn lên vững vàng ở vị trí số 1 trên cả 2 sàn giao dịch, vừa là CTCK hàng đầu đồng thời là cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

Nói thế để thấy, thăng trầm trong thị trường chứng khoán vô cùng khắc nghiệt. Đã có không ít nhà đầu tư kiếm lời gấp nhiều lần từ thị trường, hay doanh nghiệp huy động hàng nghìn tỷ đồng vốn qua kênh chứng khoán. Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ và các doanh nghiệp đã huy động được gần 2 triệu tỷ đồng qua TTCK.

Như trường hợp Hòa Phát, ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc đánh giá niêm yết cổ phiếu là bước ngoặt với Tập đoàn. Sau khi niêm yết cổ phiếu đã huy động 1.700 tỷ đồng thặng dư để đầu tư khu liên hợp Gang thép hiện đại, đưa công ty lên vị thế hàng đầu ngành thép vào năm 2014 với thị phần dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh đó, cũng nhiều người lặng lẽ rời thị trường hay doanh nghiệp phải hủy niêm yết. Đó là câu chuyện đau xót của những Dược Viễn Đông, Bông Bạch Tuyết,..

Tuy nhiên, sau tất cả những biến cố đó là cơ hội để các thành viên thị trường từ cơ quan quản lý, tổ chức niêm yết, doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán đến các nhà đầu tư nhìn lại, nâng cấp để hoàn thiện quy trình hoạt động, kinh doanh.

Một ví dụ sinh động nhất là quy định hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như 15 năm trước không ai nghĩ đến chuyện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn doanh nghiệp niêm yết, và TTCK Việt Nam được xếp chung hạng “cận biên” ( frontier market) thì nay đã được quy định về hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã được nới lỏng.

Với sự thay đổi này, tờ Telegraph của Anh đánh giá các nhà tạo lập chỉ số MSCI có thể sắp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi" ( merging market), một sự thay đổi sẽ làm cho Việt Nam đủ điều kiện cho một sân chơi rộng lớn hơn cho giới đầu tư. Khi đó, số lượng và quy mô các quỹ đầu tư vào thị thị trường nhiều lần.

Telegrap cũng cho biết các quỹ của Anh đã và đang tìm cách mua cổ phiếu các công ty Việt Nam một cách trực tiếp, thay vì mua qua các quỹ đầu tư ủy thác như trước đây.

Quỹ đầu tư Pacific Horizon Investment Trust do Bailie Gifford quản lý đang đầu tư vào châu Á, trong đó mới chỉ đầu tư 1,1% danh mục vào Việt Nam thông qua quỹ Dragon Capital, giờ đang muốn nâng tỷ lệ này lên.

Giám đốc quỹ này, ông Ewan Markson-Brown, cho biết quỹ của ông nộp đơn xin mua cổ phiếu trực tiếp tại Việt Nam để đón đầu cơ hội nới room.

Cơ hội đến từ thách thức

Những gì diễn ra 15 năm qua với thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn, nhưng thách cùng cơ hội trong thời gian tới là không nhỏ. Sự hội nhập sâu rộng về mặt kinh tế và tài chính của Việt Nam, với sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thông qua Hiệp định TPP nhiều khả năng đều diễn ra trong năm 2015, sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và từng công ty chứng khoán nói riêng.

Quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN, cải thiện quy mô và tính thanh khoản TTCK, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các thành viên thị trường.

Đồng thời với đó, khi thị trường được nâng hạng thì yêu cầu hàng hóa trên thị trường cũng phải đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn. Các sản phẩm mới, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm phái sinh từ cổ phiếu, mà còn đến từ thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, bởi lẽ tín dụng ngân hàng không thể mãi mãi đóng vai trò kênh dẫn vốn chính trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với nền kinh tế.

Cùng với cơ hội, thách thức mới đang dần hiện hữu đối với ngành chứng khoán. Với việc công ty chứng khoán được mở room đến 100%, quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán sẽ diễn ra nhanh hơn với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài và tạo ra các sức ép cạnh tranh không nhỏ. Thêm vào đó, việc liên thông các thị trường chứng khoán ASEAN sẽ nâng mức cạnh tranh lên cấp khu vực.

Vì vậy, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng: “Mỗi doanh nghiệp khi thành lập đều đã xác định được cho mình một sứ mệnh. Tại SSI, sứ mệnh đó là Kết nối vốn và cơ hội đầu tư. Chính vì vậy, tại SSI, chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn. Đó là tạo lập các kênh phân phối ở nước ngoài để các công ty liên kết có thể giới thiệu và bán sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Đã đến lúc, cần phải nhìn xa hơn nữa, để khai thác tối đa lợi thế, hoàn thiện mình theo tiêu chuẩn quốc tế để vươn xa hơn ra những thị trường mới, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.”