Công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật

Công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật

Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) vừa được QH biểu quyết thông qua sáng 26-11 với nội dung đáng chú ý, từ ngày 1-7-2015, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN theo quy định của luật.

Luật cũng quy định công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Khi thảo luận về dự thảo, có ý kiến đề nghị không nên quy định công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật vì sẽ khó xác định người đại diện cho công ty khi có tranh chấp, khởi kiện… Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng theo quy định như dự thảo, công ty hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật. Trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật; phạm vi quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện phải được ghi rõ trong điều lệ công ty.

Liên quan đến vấn đề “con dấu của DN” gây nhiều tranh luận thời gian qua, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng DN có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu. Cạnh đó, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.

Luật DN (sửa đổi) quy định việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của điều lệ công ty. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều khoản liên quan đến con dấu của DN.

Cùng ngày, QH cũng đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), theo đó, các đại biểu tán thành quy định có sáu ngành nghề bị cấm kinh doanh gồm: kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Trước đó, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định cấm kinh doanh mại dâm và các hoạt động kinh doanh trái thuần phong, mỹ tục. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng Điều 7 của dự thảo luật đã quy định nguyên tắc về những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có khả năng ảnh hưởng đến đạo đức xã hội như kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường... Nếu những hoạt động đầu tư kinh doanh trái với thuần phong mỹ tục và có hành vi vi phạm pháp luật như hoạt động mại dâm thì cũng đã bị cấm trong luật này và pháp luật có liên quan.

>> Chỉ là doanh nghiệp Nhà nước khi Nhà nước nắm 100% vốn

Theo ĐỨC MINH