Nhật ký tư vấn ngày 12/3/2015 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra góc nhìn về sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ dưới góc nhìn tỷ giá.
Xét về hoạt động xuất khẩu, Mỹ luôn là một trong các thị trường lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu (2014); trong đó, dệt may, giày dép, gỗ lần lượt là các mặt hàng có tỷ trọng cao nhất. Việc giữ giá của tiền đồng có thể không hỗ trợ nhiều đến hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam.
Tuy vậy, để có kết luận phù hợp hơn, VDSC sử dụng dữ liệu thống kê về sự thay đổi tỷ trọng xuất khẩu của một số đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường Mỹ, đặc biệt là mặt hàng dệt may.
Bằng việc so sánh với các nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia, Bangladesh VDSC nhận thấy Việt Nam có mức tăng trưởng khá tốt, từ 8,4% (2013) lên 9,3% (2014). Con số này cho thấy việc điều chỉnh tỷ giá không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dệt may như quan ngại của nhà đầu tư. Thực chất, hàng hóa của các nước có điều chỉnh tỷ giá lớn như Indonesia (-28%) và India (-16%) cũng không có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn hàng Việt Nam.
Đặc biệt, đồng tiền Indonesia với điều chỉnh lớn nhất (-28%) nhưng tỷ trọng xuất khẩu vẫn giảm 0,3% so với 2013. Theo VDSC, nguyên nhân chủ yếu do mức lương bình quân đầu người ở Indonesia có sự điều chỉnh, bên cạnh đó, Indonesia mất ưu thế cạnh tranh khi không là nước thành viên tham gia ký kết hiệp định TPP.
Do vậy, VDSC có cơ sở để cho rằng, yếu tố tỷ giá không có nhiều tác động đến nhóm ngành dệt may khi các chủ hàng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề lao động và lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại. Hàng dệt may của Việt Nam tại thị trường Mỹ, vì thế vẫn có lợi thế cạnh tranh khá lớn.