Xuất khẩu vải thiều sang Mỹ và Australia: Lấn bấn thủ tục chiếu xạ

Dù Mỹ và Australia đã đồng ý nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam, nhưng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chiếu xạ đang là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.

Sau khi Mỹ cấp phép cho nhãn, vải tươi của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này, thì Australia mới đây cũng cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam. Như vậy, 2 trong số những thị trường nhập trái cây tươi khó tính bậc nhất đã mở lối cho quả vải Việt Nam xuất khẩu.

Tại Hội nghị Bàn giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ rau quả, nông sản do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trung tuần tháng 5/2015, ông Lê Văn Ánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả 1 Hà Nội cho rằng, dù thị trường Mỹ và Australia đã mở cửa cho vải Việt Nam, nhưng không có nghĩa là loại trái cây này sẽ được xuất khẩu một cách dễ dàng.

Theo ông Ánh, ngoài vải, Mỹ và Australia còn mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu 3 trái cây khác gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, với điều kiện bắt buộc là hàng phải qua xử lý chiếu xạ để giải quyết triệt để nhiễm khuẩn, dịch bệnh trên quả. Đó là chưa kể một loạt yêu cầu khắt khe về tổ chức sản xuất, đóng gói, xử lý kiểm dịch thực vật...

Riêng với vải thiều, mùa thu hoạch năm nay đã cận kề, với sản lượng lớn vẫn tập trung tại 2 tỉnh phía Bắc là Bắc Giang (vải thiều Lục Ngạn) và Hải Dương với vải thiều Thanh Hà (Bộ Công thương công bố sản lượng lên tới 200.000 tấn). Trong khi đó, miền Bắc hiện chưa có nhà máy chiếu xạ. Việc nâng cấp nhà máy chiếu xạ tại Hà Nội dự kiến đến cuối năm nay mới được hoàn thành để đưa vào hoạt động.

Vì vậy, muốn đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ và Australia, vải thiều phải được vận chuyển vào chiếu xạ tại các cơ sở phía Nam, với chi phí, theo nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, là quá cao. Cụ thể, mức giá chiếu xạ do các doanh nghiệp chiếu xạ đưa ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu dao động từ 0,8 đến 1 USD/kg trái cây, chưa kể chi phí chuyển từ Bắc vào Nam.

Trong bối cảnh này, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, khó có thể kỳ vọng sẽ xuất khẩu được khối lượng lớn vải tươi sang Mỹ và Australia trong mùa vụ 2015, mà chỉ mong xuất khẩu được và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hai thị trường này. Bởi vậy, ngoài thị trường nội địa dự tính sẽ tiêu thụ 60% sản lượng vải, thì 40% còn lại (tương đương 80.000 tấn) chủ yếu phải trông chờ vào việc xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, vải tươi của Việt Nam đã được xuất sang các nước EU, Đông Âu, vùng vịnh và một số nước ASEAN. Phương tiện chuyên chở mặt hàng xuất khẩu này là đường hàng không và đường biển. Song việc xuất khẩu vải sang Mỹ và Australia chỉ có thể dùng đường hàng không với chi phí cao hơn, vì đường biển có thời gian vận chuyển dài, sản phẩm dễ bị hư hỏng khi đến nơi.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dù Vietnam Airlines mới đây đã công bố giảm giá đối với vận chuyển vải thiều tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu. Tuy nhiên, mỗi chuyến bay cũng chỉ vận chuyển được 10 tấn, trong khi đó, sản lượng vải để xuất khẩu mùa vụ này lên tới 80.000 tấn.

Chính vì vậy, cùng với lý do đây là vụ vải đầu tiên xuất đi Mỹ, Australia và các doanh nghiệp cần phải thăm dò thị trường, thì hiện tại, số doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vải sang hai thị trường này mới dừng ở con số khá khiêm tốn: 5-7 doanh nghiệp. Những yêu cầu cao về tiêu chuẩn chiếu xạ, đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm và chi phí vận chuyển cao đang là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vải.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều trái vải nhất, nên các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải thúc đẩy, bám vững, đẩy mạnh xuất khẩu vải vào thị trường này. Ông Ánh kiến nghị, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, ngành chức năng có giải pháp mở thêm điểm thông quan hoặc ưu tiên làm thủ tục thông quan để quá trình xuất khẩu được thuận lợi hơn, tránh tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.

Ngoài ra, cần phải có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí xuất khẩu, trong đó có chi phí chiếu xạ nhằm kích cầu thị trường, tạo thuận lợi cho các loại trái cây khác như vú sữa, xoài, thanh long, chôm chôm… xuất sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Trái cây vốn mang tính mùa vụ, nên nếu doanh nghiệp xuất khẩu không được hỗ trợ kịp thời về cơ sở chiếu xạ, công nghệ bảo quản…, thì thực trạng có thị trường xuất khẩu nhưng không khai thác được vẫn tiếp tục hiện hữu. Khi đó, vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra, với câu chuyện muôn thủa là bị ép giá, thiệt thòi đổ hết lên vai nông dân, mà mới đây nhất đã xảy ra với dưa hấu.