Để DN không... độc hành"
Câu chuyện về XTTM làm sao chuyên nghiệp, tính dẫn dắt thị trường được các DN, Hiệp hội DN cho rằng Bộ Công Thương phải là người "thuyền trưởng" trong vấn đề này. Vị đại diện Hiệp hội rau quả cho rằng, Bộ Công Thương cần nâng cao hiệu quả XTTM, đặc biệt nông - thủy sản nói chung và rau quả nói riêng là lĩnh vực đang phụ thuộc rất nhiều vào XTTM. Vị này cho biết, việc XTTM của lĩnh vực rau quả không đều, không thường xuyên phần nào ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường mặt hàng rau quả. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Hiệp hội này cho rằng Nga là một thị trường tiềm năng nhưng việc XTTM lĩnh vực rau quả vào thị trường này hiện chưa đáp ứng được.
Đồng tình, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP đề nghị trong bối cảnh thị trường khó khăn, khâu XTTM cần phải được Bộ Công Thương làm quyết liệt và chuyên nghiệp hơn nữa. Chẳng hạn, nên tránh sự dàn trải mà tập trung vào nội dung và cách làm. Bởi nếu XTTM mà chỉ là một gian hàng, trưng bày hình ảnh… sẽ không hiệu quả, cần phải thay đổi liên tục, thường xuyên về cách làm, cả về hình ảnh và thông điệp.
"Mặc dù Bộ Công Thương có đội ngũ tham tán, nhưng khi có vấn đề xảy ra việc xử lý thụ động, đề nghị cần có Ban, nhóm để thực hiện". Ông Nam còn cho biết, VASEP thường xuyên có báo cáo cập nhật về tình hình thị trường gửi các tham tán, tuy nhiên phản hồi không nhiều.
4 giải pháp căn cơ
Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng có kim ngạch XK lớn như thủy sản, gạo, cà phê... trong 4 tháng đầu năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ. Trong đó giảm mạnh nhất là cà phê với kim ngạch chỉ đạt 986 triệu USD, giảm 38,3%. Tương tự, thủy sản đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%, gạo đạt 889 triệu USD, lượng XK giảm 0,5%, trị giá giảm 5%... |
Ở giải pháp về thị trường XK, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung đàm phán mở rộng thị trường, theo đó tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với nhóm hàng này trong quá trình đàm phán các FTA. Đặc biệt ở khâu XTTM, sẽ ưu tiên phê duyệt các đề án XTTM đối với nhóm nông lâm thủy sản thuộc Chương trình XTTM quốc gia theo hướng bổ sung kinh phí và số lượng đề án.
Giải pháp về phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo đó cần quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ NN-PTNT tổ chức triển khai các giải pháp điều chính cơ cấu, mùa vụ cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, địa phương. Bộ Công Thương cũng đề nghị quản lý chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm, xây dựng lộ trình bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi XK. Đặc biệt cần tập huấn các hộ nông dân sản xuất nuôi trồng, chế biến về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm soát dư lượng kháng sinh, các mô hình thực hành sản xuất tốt như: VietGAP, GMP, HACCP, SSOP…
Ở giải pháp về tiền tệ, tín dụng... Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét các chính sách về tín dụng, bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng phát triển VN và áp dụng chính sách tỉ giá hợp lý, góp phần hỗ trợ XK. Đồng thời ở giải pháp về tài chính, đề nghị Bộ Tài chính xem xét kiến nghị về chính sách thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng nông sản của các Hiệp hội ngành hàng…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Việc tổ chức sản xuất, gắn kết sản phẩm nông sản với thị trường là trách nhiệm chung của Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng chính sách phát triển thị trường và đưa ra biện pháp cụ thể để củng cố thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không làm một mình được mà cần sự phối hợp với Bộ NNPTNT dựa trên quy hoạch chung. Phải thừa nhận sự phân công giữa các bộ, ngành trong vấn đề này thiếu sự tổng thể đã dẫn đến tình trạng đứt đoạn thông tin. Đứt đoạn ở đây là giữa bộ, ngành quản lý của Nhà nước với địa phương, cũng như đứt đoạn giữa chính quyền địa phương với DN và người dân. Bộ Công Thương không thể đi bán vải, bán cá, bán dưa hấu... Điểm mấu chốt trước tiên là khâu chính sách. Từ thực tế các mặt hàng nông sản vừa qua, ngành nông nghiệp và công thương cần ngồi lại xây dựng cơ chế phối hợp tránh tình trạng đứt đoạn thông tin và có cơ chế điều hành phù hợp với các mặt hàng nhạy cảm trước tác động thị trường như nông sản. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mang tính chiến lược, bắt buộc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và XK với khâu sản xuất của người nông dân. Trong đó, đặc biệt tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao trình độ và chất lượng canh tác thông qua mô hình sản xuất mới có quy mô lớn hơn, có điều kiện tiếp cận với DN, tạo liên kết với vùng nguyên liệu, hướng sản phẩm nông sản đạt đến những quy chuẩn chất lượng sản phẩm bền vững. Về phía các DN chúng ta cũng cần nói về trách nhiệm của DN. Về điều kiện, yêu cầu của DN đã nói rồi, nhưng có điều rất quan trọng chúng ta chưa đề cập đến là người lao động, người trực tiếp làm ra sản phẩm, là người nông dân. Trong một chuỗi như vậy chúng ta cần đặt vấn đề cho đúng vị trí trong mối quan hệ tương tác đó và ở đây tôi không muốn đặt vấn đề sâu hơn vì nó thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành khác, nhưng rõ ràng chúng ta thấy DN có thành công hay không thì ngoài cơ chế chính sách thuận lợi của Nhà nước thì sự kết nối liên kết của DN với khâu sản xuất là tương đối quan trọng, ngay kể cả là đảm bảo giá thành sản xuất cũng như là khâu nguyên liệu để xây dựng thương hiệu cũng như giá trị sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng một yếu tố đã và đang nói đến nhiều và đang tiếp tục thực hiện đó là việc xây dựng mối quan hệ liên kết giữa các DN với vùng sản xuất, với người nông dân là yếu tố quan trọng. Chúng tôi cho rằng các DN cũng phải có sự chủ động hơn nữa trong việc xây dựng mối quan hệ đó, và rõ ràng chỉ có quan hệ bền vững giữa DN trong chế biến, tiêu thụ với người nông dân sản xuất thì chúng ta mới đảm bảo được sự chủ động của DN trong xây dựng thương hiệu cũng như chiến lược kinh doanh của mình. |