Thị trường cuối tuần qua đã phản ứng khá tiêu cực trước những thông tin có khả năng dừng cung cấp đòn bẩy tài chính ở một số công ty chứng khoán.
Câu chuyện Thông tư 36 đã nóng trở lại và bắt đầu có những ảnh hưởng thực tế. Tuy nhiên đó là các tác động kỹ thuật trong ngắn hạn, hay là rủi ro mang tính dài hạn khi khả năng vay mượn trực tiếp của các công ty chứng khoán với ngân hàng bị thu hẹp?
Các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn đều có cái nhìn thống nhất về rủi ro thu hẹp khả năng hỗ trợ vốn trong ngắn hạn của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng lại được đánh giá là không lớn và khác nhau ở các công ty.
Các công ty nhỏ, sự chuẩn bị kém sẽ bị tác động lớn hơn. Những công ty có vốn chủ sở hữu lớn, mức tín nhiệm cao và đã chủ động huy động vốn qua phát hành trái phiếu, hoặc các công ty có sự hỗ trợ tốt của ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Do đó đánh giá trong ngắn hạn, dòng vốn có thể bị xáo trộn nhưng không ảnh hưởng nhiều trong dài hạn.
Thị trường phiên cuối tuần tỏ rõ sự lo lắng về khả năng cắt giảm đòn bẩy tài chính sau ngày 1/2/2015 khi có thông tin phát đi từ một số công ty chứng khoán. Là những người trong nghề, anh chị đánh giá thế nào về rủi ro thu hẹp khả năng hỗ trợ vốn trong ngắn hạn tới đây của các công ty chứng khoán? Khả năng thu xếp vốn mới như phát hành trái phiếu có tạo độ trễ và chi phí vốn cao hơn hay không?
Vốn dành cho dịch vụ đòn bẩy tài chính sẽ tạm thời bị thu hẹp. Tôi cho rằng đây là tác động kỹ thuật khi các ngân hàng điều chỉnh các khoản cho vay theo quy định của Thông tư 36.
Trong số các ngân hàng thương mại đang hợp tác với công ty chứng khoán để cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính, khá nhiều bên đang cho vay vượt giới hạn nên họ buộc phải rút vốn về. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những công ty chứng khoán chưa có nguồn thay thế.
Trong thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán lớn đã chủ động phát hành để nâng cao năng lực vốn, ví dụ VND, SSI nên tôi tin những thiếu hụt chỉ là tạm thời. Dòng vốn sẽ sớm tìm ra lối đi để vào thị trường.
Trên lý thuyết, phát hành cổ phiếu và trái phiếu có chi phí vốn thấp hơn so với vay ngân hàng nhưng độ trễ lại nhiều hơn.
Theo tôi chắc chắn việc thu hẹp khả năng hỗ trợ vốn của một số công ty chứng khoán hiện nay sẽ tác động đến thanh khoản và ít nhất trong thời gian ngắn tới dòng tiền tham gia vào thị trường. Thị trường cũng sẽ khó có thể tăng mạnh và sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh một thời gian.
Các công ty chứng khoán cũng cần thêm thời gian để có thể tiến hành thực thi các giải pháp thu xếp vốn kinh doanh nguồn mới.
Tôi cho rằng rủi ro thu hẹp khả năng hỗ trợ vốn trong ngắn hạn của các công ty chứng khoán, cũng như mức độ ảnh hưởng đến thị trường là không lớn bởi các công ty lớn hầu như không bị ảnh hưởng, đặc biệt là những công ty có ngân hàng hỗ trợ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn.
Còn đối với việc tạm dừng cấp mới margin của một số công ty chứng khoán thì tôi cho rằng đây chỉ là hành động tạm thời trong quá trình "chuyển đổi" để đáp ứng yêu cầu của thông tư 36, đồng thời tái cơ cấu sang nguồn vốn mới.
Việc phát hành trái phiếu để tăng vốn có thể tạo độ trễ trong ngắn hạn nhưng sẽ giúp các công ty chủ động được nguồn tiền hỗ trợ margin, qua đó ổn định hoạt động kinh doanh trong dài hạn.
Chúng tôi nhìn nhận có rủi ro thu xếp vốn cho nhà đầu tư ở các công ty chứng khoán nhỏ không có đủ uy tín và định mức tín nhiệm để phát hành huy động trái phiếu.
Tuy nhiên với những công ty chứng khoán lớn có uy tín có khả năng phát hành thành công trái phiếu (5-6 công ty) thì đây là cơ hội lớn để mở rộng thị phần phục vụ đa dạng hơn các nhà đầu tư.
Trong thời điểm hiện nay lãi suất huy động đang về mức thấp nhất của chu kì kinh tế nên chi phí vốn của các công ty chứng khoán huy động không phải vấn đề quá lớn (nằm trong khoảng 8-10%/ năm)
Các cổ phiếu ngân hàng đã có thêm một tuần thăng hoa và điều chỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá khá cao trong tháng 1 liệu đã vượt quá kỳ vọng từ yếu tố cơ bản của nhóm cổ phiếu này?
Nhìn từ góc độ cơ bản cùng xem xét trên góc độ phân tích kỹ thuật thì tôi cho rằng các cổ phiếu ngân hàng đã đạt đỉnh và sẽ điều chỉnh mạnh trong tuần tới.
Nói chung thì hiếm khi các cổ phiếu ngân hàng có những bước bứt phá về giá như giai đoạn vừa qua và giai đoạn thăng hoa rồi cũng đã đến hồi kết.
Theo tôi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang là trụ cột về vốn hoá của chỉ số Vnindex do đó việc nhóm cổ phiếu vua này trở lại với thanh khoản hoàn hảo là xúc tác tốt của chỉ số VN-Index.
Việc nhóm cổ phiếu này điều chỉnh trong ngắn hạn 2-3 phiên giao dịch là cơ hội tốt để thu hút thêm dòng tiền mới gia nhập thị trường.
Nếu so với yếu tố cơ bản hiện tại thì tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn vừa qua đã ở mức cao hơn tương đối khi mà triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2015 vẫn được đánh giá là sẽ không có nhiều thay đổi mang tính đột biến so với năm trước.
Hiện tại, tỷ lệ Thị giá cổ phiếu/Giá trị sổ sách (P/B) của ngành ngân hàng đã tăng cao hơn so với chỉ số P/B của thị trường. Tuy nhiên nếu xét về từng cổ phiếu riêng lẽ trong nhóm ngành này thì tôi cho rằng vẫn có những ngân hàng tạo được sức hấp dẫn với tiềm năng tăng trường tốt nhờ vào hoạt động trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu một cách tích cực trong năm nay khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục và thị trường bất động sản ấm dần lên.
Dựa vào các báo cáo định giá cổ phiếu ngân hàng, giá của phần lớn ngân hàng đã cao hơn kỳ vọng. Lãi suất thấp, nợ xấu và thâu tóm sáp nhập đều là những câu chuyện kém tích cực về cổ phiếu ngân hàng trong tương lai gần.
Tuy nhiên, từ góc độ một nhà đầu tư, tôi đặt tiếng nói của thị trường lên cao hơn nhận định của bất kỳ cá nhân nào. Sự bứt phá của cổ phiếu ngân hàng sau một năm tích lũy là dấu hiệu cho thấy nhóm này đang ở đầu chu kỳ tăng trưởng.
VN-Index đã có một tuần giằng co liên tục quanh mức 580 điểm và rốt cục các cổ phiếu ngân hàng đã không còn động lực và kéo chỉ số lùi sâu xuống dưới mức này. Từ góc độ kỹ thuật, với sự thiếu vắng của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, anh chị đánh giá rủi ro điều chỉnh ngắn hạn như thế nào?
Về mặt kỹ thuật, việc cây nến đỏ đặc dài xuất hiện sau một tuần giằng co, đi ngang ngay sát dưới vùng kháng cự quanh 585 điểm (tương ứng với đường trung bình động dài ngày SMA200) trong bối cảnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường là ngân hàng cũng đang phát đi những tín hiệu kỹ thuật cho thấy khả năng sẽ bước vào nhịp điều chỉnh ngắn trong tuần tới, thì tôi cho rằng nhiều khả năng VN-Index cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh để kiểm tra lại vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh 570 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
Mặc dù vẫn cần quan sát thêm diễn biến của chỉ số tại vùng hỗ trợ này trong những phiến đầu tuần tới để có thể đánh giá khả năng chỉ số có rơi vào một nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn hay không, nhưng với diễn biến của chỉ số trên đồ thị tuần thì cá nhân tôi vẫn kỳ vọng vào khả năng chỉ số sẽ có thêm nhịp tăng điểm trong ngắn hạn.
Tôi đã nhìn thấy giai đoạn điều chỉnh của thị trường trong thời gian tới và có thể kéo dài vài tuần thậm chí vài tháng do thanh khoản sụt giảm và thị trường cũng đã tăng hơn 70 điểm từ vùng đáy 513 điểm cho đến mốc kháng cự mạnh 585 điểm.
Như vậy, tuần tới VN-Index sẽ điều chỉnh võng xuống về ngưỡng hỗ trợ 560 - 565 điểm.
Tâm lý bi quan thắng thế ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là dầu khí và thép. Cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh như BID, CTG, MBB đang chịu áp lực chốt lời mạnh.
Tuy vậy, tôi dự báo đây vẫn là trụ của thị trường trong sóng điều chỉnh này, nghĩa là khi cổ phiếu ngân hàng kết thúc điều chỉnh thì thị trường cũng sẽ ngừng rơi. Rất có thể thị trường sẽ cân bằng lại trong phiên giao dịch đầu tuần tơi.
Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh của chỉ số VN-Index là điều không đáng ngại, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dần hé lộ kế quả kinh doanh khả quan trong quý 1/2014 và quý 1/2015 sẽ kiến định giá thị trường chung có thể ở mức hấp dẫn hơn và tiếp tục thu hút dòng tiền mới giải ngân vào thị trường.
Trừ các cổ phiếu ngân hàng, cơ hội lợi nhuận trong ngắn hạn tuần này khá thấp. Mức độ giải ngân hiện tại của anh chị là bao nhiêu?
Tuần qua, tôi đã thực hiện bán chốt lời toàn bộ phần danh mục ngắn hạn khi các cổ phiếu bất động sản tầm trung trong danh mục tăng mạnh và chạm đến các vùng kháng cự ngắn hạn vào các phiên giữa tuần.
Sau đó, tôi đã giải ngân lại một phần danh mục đã bán với tỷ trọng 20% cổ phiếu, qua đó đưa tỷ trọng danh mục tổng về lại mức cân bằng (trong đó, phần danh mục trung hạn vẫn được giữ ở mức 30% cổ phiếu).
Tuần tới tôi dự định sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn này.
Đề giảm thiểu tác động tâm lý ngắn hạn trong giai đoạn này chúng tôi không khuyến nghị dùng margin tại thời điểm hiện tại và tỷ lệ cổ phiếu - tiền mặt ở mức 50-50%.
Tôi có thực hiện việc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục trong tuần vừa qua và tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt hiện nay chỉ còn 20%/80%. Tôi ưu tiên việc giữ tiền mặt nhiều hơn trong gian đoạn hiện nay.
Trong tuần vừa qua, tôi chủ động bán một số mã bất động sản và tích lũy trở lại một số cổ phiếu ngân hàng trong phiên cuối tuần. Tôi dự định sẽ đưa tỷ lệ cổ phiếu trở lại 90-100% vốn chủ sở hữu trong nhịp điều chỉnh này.