Cụ thể, Liên Bộ Tài Chính-Bộ Công Thương sau khi trình Thủ tướng xin ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu đã chính thức quyết định tăng giá mặt hàng xăng 1.950 đồng/lít, lên mức 19.236 đồng/lít.
Đồng thời, giữ nguyên giá bán dầu diesel như hiện hành là 15.883 đồng/lít. Giảm giá bán dầu hoả 258 đồng/lít. Dầu ma dút giữ nguyên giá 12.653 đồng/kg.
Từ đầu năm đến ngày 5/5: Xăng tăng giá trên 3.500 đồng/lít
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, xăng đã 2 lần tăng giá. Điều đáng nói là cả 2 lần tăng đều gây sốc cho người dân. Cụ thể, ngày 11/3, Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng tăng lên 1.600 đồng và gần đây nhất là tối qua xăng tăng 1.950 đồng/lít.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay giá xăng đã tăng tổng cộng trên 3.500 đồng/lít.
Nguyên nhân của việc tăng giá sốc lần này được Bộ Công Thương cho biết là do giá xăng dầu thế giới tăng đột biến.
Tại thời điểm ngày 4/5, giá dầu đã lên mức 80,890 USD/thùng khiến cho giá cơ sở chênh lệch lớn: xăng RON 92 cao hơn 3.387 đồng/lít; Xăng E5 cao hơn 3.222 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S cao hơn 322 đồng/lít; Dầu hoả thấp hơn 258 đồng/lít; Dầu ma dút 3.5S cao hơn 303 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia lại khẳng định rằng việc giá xăng tăng mạnh lần này không chỉ xuất phát từ sự hồi phục của thị trường dầu khí thế giới mà còn chịu tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, quyết định của UBTV Quốc hội, từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, chiếm 17% trong cơ cấu giá bán lẻ; dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít, chiếm 9% trong cơ cấu giá bán lẻ.
Chuyên gia Ngô Trí Long trước đó cũng đã khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến giá xăng dầu tăng mạnh từ tháng 5.
Trước đó, song song với việc tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài Chính đã ban hành mức thuế nhập khẩu ưu đãi: xăng, dầu hoả giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diezel giảm từ 30% xuống 12%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 13% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng từng khẳng định trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rằng: "Việc tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng giảm thuế xuất nhập khẩu theo đúng cam kết Asean, tính ra thì số tăng còn thấp hơn số giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ”.
Mới đây ngày 27/4 tại cuộc họp báo thường kỳ cuả Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước ông Võ Văn Quyền cũng khẳng định tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng đến cơ cấu giá của các mặt hàng xăng dầu.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá lại tái khẳng định một lần nữa sẽ không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu.
Dân vẫn bất ngờ vì xăng tăng cao!
Trong khi các chuyên gia cùng cơ quan quản lý vẫn còn ý kiến trái chiều, xăng lại tăng giá khiến nhiều người dân bất ngờ.
Anh Quang, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội có chia sẻ trên diễn đàn otofun: "Giá xăng tăng, giá điện tăng sắp tới là hàng loạt các thứ tăng theo, đó mới là điều đáng sợ nhất”.
Chị Quỳnh Hoa chia sẻ trên Facebook: "Quá thất vọng, tôi xem qua báo đài thấy các lãnh đạo đều khẳng định không tăng giá rồi giờ lại thất hứa”.
"Kết thúc chuỗi ngày của giá xăng thấp đổ xăng chạy xe không cần suy nghĩ, giờ thì giá xăng trên đà tăng cao rồi”, một thành viên diễn đàn otofun bình luận.
Theo bản cập nhật giá bán lẻ xăng dầu từ một số nước láng giềng, hiện nay giá xăng RON 92 ở Campuchia đang có giá 23.000 đồng/lít, Lào 22.000 đồng/lít, Trung Quốc 19.000 đồng/lít.
Như vậy giá xăng ở Việt Nam đang thấp hơn các nước khoảng xấp xỉ 4.000 đồng/lít.