Vụ án chai nước Number 1 chứa ruồi: "Tôi thua, tôi buồn, tôi xấu hổ!"

Trước bản án 7 năm tù dành cho thân chủ của mình, Luật sư Nguyễn Tấn Thi - bào chữa tình nguyện cho Võ Văn Minh - bày tỏ: "Tôi thua, tôi buồn, tôi xấu hổ".

500 triệu đồng là cái cớ để bắt người

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, chiều ngày 18/12 Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang chính thức tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ Cái Bè, Tiền Giang) mức án 7 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Dù phiên xét xử kết thúc, mức án đã được tuyên tuy nhiên vụ án vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.

Ngay khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, Luật sư Nguyễn Tấn Thi - một trong hai luật sư tình nguyện bào chữa cho Võ Văn Minh bày tỏ: "Tôi bào chữa cho thân chủ tôi với quan điểm vô tội, nhưng vẫn bị tòa án tuyên phạm tội. Tôi thua, tôi buồn, tôi xấu hổ".

Võ Văn Minh tại phiên tòa xét xử ngày 17/12

Luật sư Nguyễn Tấn Thi cũng đề nghị làm rõ chi tiết pháp lý quan trọng: Diễn biến phiên tòa và hồ sơ cho thấy Công an Tiền Giang đã có sự chuẩn bị bắt người. Như vậy số tiền 500 triệu đồng được Tân Hiệp Phát chi ra bản chất chỉ là để làm "tang vật" của vụ án, để có lý do bắt người.

Chúng ta cần phân tích xem số tiền này có được coi là tài sản bị chiếm đoạt không? Việc thực hiện chi tiền như vậy và việc công an bắt người nhờ vào việc chi tiền như thế có đúng pháp luật không?

Tường thuật lại thời gian vụ án, LS. Thi cho rằng ngay thời điểm giao nhận tiền, Võ Văn Minh không có hành vi nguy hiểm như dùng vũ lực cưỡng ép đe dọa, uy hiếp... được thể hiện ra bên ngoài.

“Hai bên ôn hòa cười nói vui vẻ giao nhận tiền và có lập biên nhận. Như vậy tại thời điểm này không có hành vi phạm tội xảy ra. Như vậy việc bắt quả tang là không đúng theo quy định của Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp này cũng không phải là bắt tạm giam hay bắt khẩn cấp”, LS. Thi cho biết.

Trước câu hỏi được LS. Nguyễn Tấn Thi đặt ra, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, LS. Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) phân tích: Để buộc Võ Văn Minh tội cưỡng đoạt tài sản các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh được hai nội dung: Một là, con ruồi trong chai nước là do Minh ngụy tạo mà có; Hai là, Võ Văn Minh đã đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Kết luận giám định số 505/C54B ngày 05/02/2015 của phân Viện Khoa học hình sự tại TP.Hồ Chí Minh chưa làm rõ được nội dung này, mà chỉ mới kết luận “phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai nước…” không giải thích là biến dạng như thế nào?!, “phát hiện thấy dấu vết trượt xướt lạ bên tong nắp chai nước…” và “mực nước trong chai nước gửi đi giám định thấp hơn mực nước trong các chai nước gửi làm mẫu so sánh”.

LS. Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Xã Đàn, Hà Nội)

“Với những kết luận này chưa đủ để khẳng định việc con ruồi vào chai nước từ khi nào, có việc ai đó mở nắp chai hay chưa. Như vậy, kết quả giám định không chứng minh, làm rõ được căn cứ quan trọng của vụ án nhằm buộc tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với anh Minh”, LS. Trương Anh Tú nhận định.

Nói Tân Hiệp Phát bị uy hiếp tinh thần là không thỏa đáng

Bên cạnh đó, LS. Trương Anh Tú cho biết, khi dư luận đang đặt nghi vấn rất lớn vào kết luận giám định này, vì theo các chuyên gia pháp luật nhận định: “Nếu Võ Văn Minh tạo ra con ruồi rồi tống tiền doanh nghiệp thì mới có dấu hiệu hình sự của tội Cưỡng đoạt tài sản”, thì vào ngày 04/08/2015 phân viện Khoa học hình sự tại TP.Hồ Chí Minh có công văn số 148/CV/C54B để giải thích nội dung kết luận giám định của Kết luận giám định số 505/C54B.

Tức sau gần 6 tháng giám định cơ quan này có công văn giải thích nội dung kết luận giám định để đáp lại thắc mắc của dư luận, và với các nội dung kết luận giám định được trích dẫn ở trên thì liệu có đủ cơ sở khoa học để khẳng định “nắp chai nước Number 1 gửi đi giám định … đã được mở ra khỏi chai nước và đóng lại nắp”.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 29 Luật giám định tư pháp quy định: “Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu”.

Như vậy, nếu kết luận giám định số 505/C54B chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Tiền Giang phải trưng cầu giám định lại, việc giám định lại phải thực hiện như giám định lần đầu và được thể hiện bằng Kết luận giám định lần 2. Việc ban hành một công văn để giải thích cho nội dung giám định chưa rõ, chưa đầy đủ là trái với quy định của Luật Giám định tư pháp.

Theo LS. Trương Anh Tú, trong vụ việc này Tân Hiệp Phát được xác định là bị hại. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát là pháp nhân, mà pháp nhân thì không thể bị uy hiếp tinh thần. Do đó, việc kết luận Võ Văn Minh dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần Tân Hiệp Phát là không thể.

Hơn nữa, việc Võ Văn Minh nói không thương lượng giao tiền thì sẽ khiếu nại đến Cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm, Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đồng thời in 5000 tờ rơi có hình ảnh và nội dung có con ruồi trong chai nước Number 1 để cho người tiêu dùng biết đều là những việc làm không trái quy định của pháp luật.

Việc tinh thần của đối phương (Tân Hiệp Phát – PV) hoang mang (nếu là có thật) chỉ là điều kiện cần, còn phải có yếu tố Võ Văn Minh sử dụng thủ đoạn (hành vi trái pháp luật) là điều kiện đủ mới thỏa mãn dấu hiệu sử dụng thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần người khác.

Phân tích toàn bộ sự việc, LS. Tú cho rằng số tiền 500 triệu đồng không phải tiền ông Minh chiếm đoạt mà kết quả của cuộc thương lượng giữa ông Minh và Tân Hiệp Phát.

Đồng quan điểm, TS.LS Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật YouMe cho rằng, bản chất việc thương lượng giữa ông Minh và Tân Hiệp Phát là quan hệ dân sự giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất.

Việc Tân Hiệp Phát và ông Minh thỏa thuận rồi giao tiền là hoàn toàn bình thường trong quan hệ dân sự khi hai bên đã đạt được thỏa thuận. Yếu tố Tân Hiệp Phát phải đưa tiền cho ông Minh vì bị ông Minh đe dọa, uy hiếp là không thỏa đáng.

Vì, nếu như sản phẩm của Tân Hiệp Phát không có lỗi thật, thì ông Minh có uy hiếp hay dùng thủ đoạn nào đi chăng nữa thì cũng không thể gây khó dễ cho Tân Hiệp Phát.

“Hành vi nhận 500 triệu đồng của ông Minh chỉ có thể xem xét cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản khi làm rõ được việc ông Minh đã có mục đích chiếm đoạt tiền và dùng thủ đoạn nào đó, khiến cho chai nước Number 1 có ruồi để rồi đe dọa Tân Hiệp Phát”, LS Hà nhận định.

Cần thiết hủy án, điều tra lại

Trước đó tại phiên tòa, sau phần luận tội của cơ quan công tố đối với hành vi phạm tội của Võ Văn Minh, trong phần tranh luận, bào chữa cho Võ Văn Minh, Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng: Vụ án này đã được “gọt chân cho vừa giày", bởi tất cả các cơ quan tố tụng đều có sai sót từ giai đoạn điều tra khi điều tra viên cho phép luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dân sự (Công ty Tân Hiệp Phát) dự cung.

Luật sư Thi đề nghị hội đồng xét xử đánh giá toàn diện lại vụ án bởi lẽ, vụ án không nên được đưa ra xét xử trong thời điểm này.

Nguyên nhân là vì toàn bộ thông tin điều tra của vụ án đều đã bị tiết lộ bởi luật sư của bên nguyên đơn dân sự, do luật sư lại được dự các buổi lấy cung của luật sư bị cáo, nên không loại trừ khả năng thông cung.

Đặc biệt, một số buổi lấy cung bị cáo, luật sư bị cáo không được dự, nhưng phía luật sư nguyên đơn dân sự lại được dự, nên đây cũng là sai phạm nghiêm trọng nhất trong quá trình điều tra vụ án.

Phân tích trên báo Tuổi trẻ, một lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng pháp luật quy định như thế nào thì điều tra viên chỉ được làm như vậy, không thể làm khác được.

Luật không quy định cho luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dự cung thì luật sư này không thể có mặt trong buổi dự cung. Đó là quy định của pháp luật, buộc tất cả người tiến hành tố tụng phải tuân thủ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, khẳng định rằng hành vi cho luật sư của nguyên đơn dân sự tham dự các buổi lấy cung bị can là vi phạm thủ tục tố tụng. Kể cả khi điều đó pháp luật không cấm thì điều tra viên cũng không được phép làm, bởi điều tra viên chỉ được làm những gì pháp luật quy định.

Từ những phân tích này, trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam, LS. Nguyễn Tấn Thi nhấn mạnh: Thủ tục tố tụng trong vụ án Võ Văn Minh, có hai vấn đề. Về nội dung như trong phiên tòa chúng tôi khẳng định, hành vi của Vo Văn Minh không vi phạm pháp luật. Riêng thủ tục tố tụng trong rất nhiều sai phạm, tại tòa luật sư bị cáo đã đề nghị hủy bản án và điều tra lại.

Cũng theo dõi phiên xét xử vụ án chai nước có ruồi, Ths.LS Trương Anh Tuấn – Ủy ban Đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nếu vụ án có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng cần hủy bản án để điều tra lại.