Chia sẻ với ĐTCK, giám đốc khối tín dụng một ngân hàng TMCP cho biết, giai đoạn phát triển "nóng" 2005 - 2008, nhiều ngân hàng "vơ bèo vạt tép" khách hàng để chạy theo tốc độ, chỉ tiêu tăng trưởng…
Điều này dẫn đến "vàng thau lẫn lộn", nợ xấu phát sinh lớn khiến hệ thống thắt chặt cho vay, hoạt động đình đốn, không giải ngân được vốn, không có lợi nhuận…, ngân hàng ép nhân viên nghỉ việc hàng loạt.
Tuy nhiên, vốn vào thì nhiều mà vốn ra ngày càng co lại, nên các ngân hàng lại gọi bằng được nhân viên về để… "ép" chỉ tiêu, trong khi khách hàng vẫn chỉ có vậy, khi cầu vốn đầu tư và cả tiêu dùng đang ở mức rất thấp.
"Đặc biệt, 2 - 3 tháng gần đây, ban lãnh đạo ngân hàng ép nhân viên 'chạy' vốn cho DN rất khủng khiếp. Toàn đặt chỉ tiêu cho mỗi cán bộ tín dụng quản lý ít nhất 2 khách hàng với khoản tiền khoảng 10 tỷ đồng", nhân viên tín dụng một ngân hàng TMCP chia sẻ.
Nhưng sự bí bách không chỉ từ các nhân viên, giám đốc chi nhánh một ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà Nội nói: "Ngay cả tổng giám đốc ngân hàng chuyên doanh của chúng tôi cũng bị áp định mức quản lý bao nhiêu khách, bao nhiêu tiền… Điều này khác hẳn trước kia khi vị lãnh đạo này là người giao chỉ tiêu và quản lý chung".
Bên cạnh đó, quy trình cho vay cũng được sắp xếp lại, có sự nới lỏng nhất định. Ví dụ, trước kia một khoản vay mà chi nhánh được chấp thuận giải ngân sẽ phải qua nhiều quy trình kiểm soát ngặt nghèo và mất nhiều thời gian. Cuối cùng của quy trình này là Hội đồng tín dụng họp nhất trí cho vay, khi đó sẽ ra biên bản và từng thành viên trong Hội đồng ký đủ rồi mới đưa xuống chi nhánh.
"Riêng việc cầm biên bản đưa cho từng thành viên trong Hội đồng ký cũng mất rất nhiều thời gian. Có trường hợp, thành viên A vừa họp xong liền đi công tác vài ngày, chưa ký được nên biên bản vẫn để đấy. Nhưng hiện nay, Hội đồng tín dụng họp, các thành viên thông qua xong rồi gửi email trực tiếp xuống chi nhánh cho giải ngân, thậm chí tổng giám đốc đi duyệt trực tiếp khoản vay luôn", vị giám đốc chi nhánh trên chia sẻ.
Nhân viên tín dụng một ngân hàng TMCP khác cho biết thêm, có những khoản vay trước kia khách hàng muốn được phê duyệt sẽ phải bổ sung trong hồ sơ các chi tiết liên quan đến kinh doanh như hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại…, thì nay được loại bỏ. Thậm chí, có những tài sản trước kia được nhận định là xấu, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn là tài sản đảm bảo thế chấp, chẳng hạn căn nhà trong ngõ sâu thì nay cũng được nới ra, chấp thuận cho vay dù số tiền vay ít hơn…
Theo các chuyên gia kinh tế, một chu kỳ bành trướng, phát triển, co cụm rồi quay lại bành trướng của hệ thống ngân hàng khoảng 5 - 7 năm, nên nếu tính năm 2010 bắt đầu sự đi xuống thì hệ thống hiện đang ở giữa chu kỳ phát triển chậm, co cụm là điều bình thường. Tuy nhiên, sự sốt ruột của cổ đông, ban lãnh đạo, HĐQT, nhân viên, thậm chí cả xã hội… khiến hệ thống không đi theo chu kỳ thông thường mà lại bung ra, đi vào vết xe phát triển nóng, mở rộng cho vay với các tiêu chí dễ dãi hơn, trong khi khả năng sinh lời thấp sẽ là điều rất rủi ro.
"Mặt tích cực trong các trường hợp trên là quy trình nội bộ đã có những thay đổi, tạo điều kiện hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhưng cũng cần đề phòng vì trong một chừng mực nhất định, chấp thuận tài sản đảm bảo xấu hơn trước, về bản chất là hạ chuẩn cho vay. Trong khi đó, các biện pháp phòng tránh rủi ro chưa thấy các ngân hàng đề cập tới một cách nghiêm túc", một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.
Vị chuyên gia này tính toán, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2014 vào khoảng 5,5%, để đạt được con số này, tăng trưởng tín dụng cần đạt 11%, nhưng trong bối cảnh hiện nay, 10% là con số hợp lý. Trong khi đó, tổng dư nợ của nền kinh tế vào khoảng 5 triệu tỷ đồng, vậy tăng trưởng tín dụng 10% nghĩa là cần khoảng 500.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế xấp xỉ 5,5% so với cuối năm 2013, nghĩa là trong 3,5 tháng còn lại của năm 2014, cần phải đưa thêm khoảng 250.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2014, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra. Nhưng có lẽ đây là bài toán khó giải của hệ thống ngân hàng, khi làm thế nào để đẩy được tín dụng mà lại không làm phát sinh thêm nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế kém sức hấp thụ vốn!