Về cuối phiên giao dịch, lực cầu bắt đáy có phần tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường lấy lại được sắc xanh và kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Đáng chú ý, sau 2 phiên giảm giá mạnh, VNM đã hồi phục trở lại với mức tăng 2.000 đồng lên 125.000 đồng/CP và là nhấn tố chính góp phần duy trì sắc xanh của chỉ số VN-Index. Phiên hôm nay, thanh khoản ở cổ phiếu VNM sụt giảm mạnh so với các phiên trước, đạt chưa tới 1 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, FPT cũng đã tăng trở lại 900 đồng lên 50.000 đồng/CP sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận đà hồi phục của nhiều cổ phiếu lớn như SSI, KDC, SCR, VCG… Trong đó, KDC tăng 500 đồng lên 25.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị. SCR tăng 400 đồng lên 9.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 7,6 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, thị trường trong phiên giao dịch hôm nay giao dịch cân bằng hơn cũng nhờ công khá lớn của nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã như GAS, PVS, PVC, PVL, PXA… đều đồng loạt tăng giá.
Chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn còn hiện hữu trên một số cổ phiếu ngân hàng là VCB, STB và BID, tuy vậy, mức giảm của các mã này không quá mạnh.
Thanh khoản thị trường trong phiên hôm nay ở mức tương đối, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ là khoảng 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền vẫn chỉ tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, HHS, VHG, PVX. Trong đó, FLC phiên hôm nay đứng giá tham chiếu và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 16,09 triệu đơn vị. PVX tăng kịch trần và vươn lên khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 7,7 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, HHS phiên hôm nay giảm kịch sàn và khớp lệnh lên tới hơn 16 triệu đơn vị. Cổ phiếu SBT tiếp tục tăng mạnh 500 đồng lên 19.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 6,3 triệu đơn vị.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1,87 điểm (0,31%) lên 595,7 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 86 mã giảm và 93 mã đứng giá.
Tương tự, HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,41 điểm (0,51%) lên 82,06 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 81 mã giảm và 180 mã đứng giá.
Về cuối phiên sáng, lực bán có phần suy yếu đi đáng kể đã giúp đà giảm của nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường được thu hẹp lại. Trong đó, VNM chốt phiên sáng đứng ở mức giá tham chiếu (123.000 đồng/CP). FPT cũng thoát khỏi mức giá đỏ và đứng ở mức 49.100 đồng/CP. Trong khi đó, các cổ phiếu như VIC, VCB, MSN, CTG… chỉ còn giảm giá nhẹ.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu dòng dầu khí trên thị trường như GAS, PVC, PVS… đều đồng loạt tăng giá trong phiên sáng nay. GAS tăng 300 đồng lên 43.400 đồng/CP. PVS tăng 100 đồng lên 20.500 đồng/CP.
Đáng chú ý, KDC phiên sáng nay cũng tăng trở lại 400 đồng lên 25.400 đồng/CP. SCR tăng mạnh 400 đồng lên 9.100 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 5,8 triệu đơn vị.
Thanh khoản thị trường trong phiên sáng nay ở mức tương đối cao, dòng tiền đa phần tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như HHS, FLC, SCR, PVX… Trong đó, HHS phiên sáng giảm kịch sàn và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 11 triệu đơn vị, với lượng dư bán giá sàn tới hơn 2,5 triệu đơn vị.
Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,6 điểm (-0,1%) xuống còn 593,23 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 107 mã giảm và 119 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 77,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.240 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đã tăng trở lại 0,05 điểm (0,07%) lên 81,7 điểm. Toàn sàn có 63 mã tnawg, 87 mã giảm và 221 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 37,5 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 322,5 tỷ đồng.
Sau khoảng thời gian 'nghỉ ngơi' ở đầu phiên giao dịch, VNM tiếp tục chịu áp lực bán khá mạnh và giảm 2.000 đồng xuống 121.000 đồng/CP. Trước đó, cuối giờ chiều qua, trả lời phỏng vấn với NDH, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân của CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường giảm vài phiên vừa qua chủ yếu do hoạt động giải chấp sau khi có tin nhiều công ty chứng khoán cho vay margin ở mức cao. VNM và FPT nằm trong số những cổ phiếu lớn bị giải chấp.
Đáng chú ý, mặc dù được nhiều CTCK dự đoán sẽ được thêm vào danh mục của hai quỹ ETF trong đợt cơ cấu lần này, nhưng HHS đang giảm mạnh 700 đồng xuống 16.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đã tăng vọt lên mức hơn 7,3 triệu đơn vị.
Sau 3 phiên giao dịch tiêu cực, tâm lý thị trường trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch mới tỏ ra khá thận trọng. Đa phần các cổ phiếu lớn trên thị trường chỉ đang có những biến động hẹp quanh mốc tham chiếu.
Đáng chú ý, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVC, PVS… đều đồng loạt tăng giá và đang hỗ trợ khá tốt cho hai chỉ số. Hiện giờ, GAS đang tăng 600 đồng lên 43.700 đồng/CP. PVD tăng 400 đồng lên 33.300 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng lên 20.700 đồng/CP. Việc các cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng là nhờ thông tin giá dầu phiên 24/11 tăng 3%, lên cao nhất 2 tuần qua, do lo ngại về căng thẳng tại Trung Đông sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga dọc biên giới Syria.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận đà tăng của một số cổ phiếu lớn khác như DPM, VCB, NTP, LAS, FPT… Trong đó, FPT đang tăng 200 đồng lên 49.300 đồng/CP. Được biết, Trong cùng một thời điểm, Bảo Minh (BMI) đã bán toàn bộ 8.000 cổ phần VNM và cùng lúc mua vào 100.000 cổ phần FPT để tăng tỷ lệ sở hữu.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn là BID, BVH, VIC, STB, VCG, SHS… đều đang giảm giá, tuy vậy, mức giảm của các cổ phiếu này không quá lớn.
Đáng chú ý, sau 2 phiên lao dốc, VNM đang đứng ở mức giá tham chiếu và giao dịch khá chậm.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, SRC đang tăng mạnh 1.800 đồng lên 36.000 đồng/CP. SRC đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Khu phức hợp Thương mại - Nhà ở Cao su Sao Vàng. với CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Công ty dự án có vốn điều lệ ban đầu 1.673 tỷ đồng.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,19 điểm (0,03%) lên 594,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 196 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng chỉ tăng nhẹ 0,15 điểm (0,18%) lên 81,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 56 tỷ đồng.
Với những rủi ro đang lớn dần từ vấn đề tỷ giá và những động thái khá tiêu cực của khối ngoại trên thị trường, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và hạn chế hành động bắt đáy trong bối cảnh thị trường không có nhiều động lực tăng và rủi ro ở mức đáng kể.