Về cuối phiên sáng, lực cầu có phần tăng cao ở một số cổ phiếu trụ cột như VNM, BVH, CTG, KDC, NTP… nên đều đã kéo các mã này lên trên mốc tham chiếu. Khép phiên sáng, VNM tăng 2.000 đồng lên 130.000 đồng/CP và là nhân tố chủ chốt giúp chỉ số VN-Index duy trì được sắc xanh nhẹ. Ngoài ra, VNM còn có thỏa thuận hơn 2,5 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, tương ứng giá trị giao dịch lên tới hơn 341 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BVH tăng 500 đồng lên 58.500 đồng/CP. NTP tăng 500 đồng lên 58.000 đồng/CP.
Chiều ngược lại, vẫn có khá nhiều cổ phiếu lớn như GAS, EIB, PVD, AAA… chìm trong sắc đỏ, tuy vậy, đà giảm của các mã này không phải là quá lớn nên áp lực đến hai chỉ số cũng không mạnh. Trong đó, GAS giảm 100 đồng xuống 45.900 đồng/CP. MSN giảm 500 đồng xuống 73.000 đồng/CP.
Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng nay diễn ra ảm đạm, dòng tiền chỉ tập trung vào một số cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, BGM, TIG…
Đáng chú ý, phiên sáng nay, FLC đứng giá tham chiếu và dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 4,8 triệu đơn vị. Tuy vậy, nếu so sánh với cùng thời điểm 2 phiên giao dịch vừa qua, thì thanh khoản của FLC đã sụt giảm đáng kể.
Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,35 điểm (0,22%) lên 606,62 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 82 mã giảm và 131 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 49,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 1.189 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-index cũng tăng 0,11 điểm (0,13%) lên 80,94 điểm. Toàn sàn có 77 mã tăng, 72 mã giảm và 223 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 18,9 triệu cổ phiếu, trị giá gần 190 tỷ đồng.
Ảnh: Trung Kiên
Phiên hôm qua, thị trường đã có phiên điều chỉnh mạnh thứ hai liên tiếp trong tuần. Tâm lý chốt lời đã lớn dần lên, đặc biệt tại các mã vốn hóa lớn đã ghi nhận mức tăng đáng kể trong thời gian qua.
Bước vào phiên giao dịch mới, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng, điều này khiến giao dịch trên thị trường diễn ra ảm đạm, thanh khoản hai sàn đang duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, các cổ phiếu lớn trên thị trường đang có những diễn biến trồi sụt nên khiến cả hai chỉ số chỉ có được mức biến động trong biên độ hẹp. Hiện tại, một số mã như VNM, BID, VCB, BVH, ACB, VCG… đã nhích lên trên mốc tham chiếu góp phần kéo hai chỉ số tăng điểm trở lại. BVH tăng mạnh trở lại 1.500 đồng lên 59.500 đồng/CP. VIC tăng 100 đồng lên 48.400 đồng/CP.
Chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn tiếp tục duy trì trên các cổ phiếu như GAS, PVD, MSN, PVS, PGS… Trong đó, GAS đang giảm 200 đồng xuống 45.800 đồng/CP. PVD giảm 100 đồng xuống 34.600 đồng/CP. Được biết, giá dầu phiên 10/11 tăng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đầu tư của ngành dầu mỏ đang sụt giảm. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế khi giới đầu tư tập trung vào số liệu dầu lưu kho của Mỹ.
Trong khi đó, sau một số phiên bứt phá liên tiếp, các cổ phiếu ô tô như TMT, HAX… đang có dấu hiệu điều chỉnh trở lại. TMT đang giảm 1.500 đồng xuống 55.500 đồng/CP. HAX giảm 300 đồng xuống 18.200 đồng/CP. Tuy vậy, HTL hiện giờ vẫn được kéo lên mức trần.
Tương tự, cổ phiếu FLC hiện tại cũng chỉ giao dịch quanh mốc tham chiếu và khối lượng giao dịch cũng sụt giảm đáng kể, chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Sau khoảng 40 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,85 điểm (0,14%) lên 606,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,28 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là trên 173 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,05 điểm (0,06%) lên 80,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4,8 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 48 tỷ đồng.
Thanh khoản duy trì ở mức cao trong phiên điều chỉnh kèm theo sự suy giảm khá mạnh của các mã vốn hóa lớn là tín hiệu không tốt đối với đà tăng của thị trường. Hiện tại, mặc dù chưa thấy tín hiệu rõ ràng về việc đảo chiều xu hướng nhưng khi xét đến các rủi ro đang lớn dần trong trung và dài hạn, VCBS cho rằng nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời một phần danh mục đã đạt tới mức lợi nhuận mục tiêu tại các vùng giá hợp lý trong phiên thị trường xanh điểm.