Về cuối phiên sáng, áp lực bán tiếp tục có phần tăng cao và khiến nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường giảm giá trở lại và kéo cả hai chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu.
Đáng chú ý, phiên sáng nay, thị trường tiếp tục chứng kiến sức mạnh của VNM. Có thời điểm trong phiên sáng, VNM tăng vọt lên mức 133.000 đồng/CP, tuy nhiên, do chịu áp lực bán chung của thị trường nên VNM chỉ còn tăng 2.000 đồng lên 130.000 đồng/CP.
Chiều ngược lại, hàng loạt các cổ phiếu lớn như BVH, CTG, VIC, VCB, VCG, ACB… đều đã chìm trong sắc đỏ. Khép phiên sáng, BVH giảm 1.500 đồng xuống 63.500 đồng/CP. CTG giảm 300 đồng xuống 20.600 đồng/CP.
Trong khi đó, thông tin tiêu cực từ giá dầu thế giới vẫn đang là trở lại lớn đối với nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong đó, các mã như GAS, PVD, PVS, PVC, PGS… đều đồng loạt giảm giá.
Ở một diễn biến khác, với kỳ vọng từ TPP, các cổ phiếu dệt may như TCM, GMC, TNG… vẫn giao dịch rất tích cực trong phiên sáng nay.
Giao dịch trên thị trường diễn ra vẫn không thực sự mạnh, thanh khoản hai sàn chỉ ở mức trung bình. HAG đứng giá tham chiếu và vươn lên khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 3,9 triệu đơn vị. Trong khi đó, SCR là cổ phiếu duy nhất trên HNX khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị. Khép phiên sáng, SCR tăng 100 đồng lên 8.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,9 triệu đơn vị. Mã PXA phiên sáng nay tăng kịch trần và có thỏa thuận hơn 6 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, trị giá gần 14 tỷ đồng. SPI cũng có thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu, trị giá 4,8 tỷ đồng.
Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 1,56 điểm (-0,25%) xuống còn 613,62 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 137 mã giảm và 110 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 53 triệu cổ phiếu, trị giá trên 1.110,2 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm nhẹ 0,24 điểm (-0,3%) xuống 81,6 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 86 mã giảm và 227 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,5 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 244,7 tỷ đồng.
Thị trường bước vào phiên giao dịch mới đón nhận khá nhiều thông tin ngoài lề. Cụ thể, Bộ Công Thương công bố toàn văn Hiệp định TPP (bản tiếng Anh) đã được các nước TPP thống nhất. Trong thời gian 5 năm sau khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, hàng dệt may của Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế dù sử dụng một số loại vải, nguyên phụ liệu sản xuất ngoài TPP.
Thông tin trên ngay lập tức ảnh hưởng khá tốt tới các cổ phiếu dệt may trên thị trường. Hiện tại, các mã như TCM, GMC, TNG… đã đồng loạt tăng giá mạnh. Trong đó, TCM đang tăng 1.000 đồng lên 36.200 đồng/CP. GMC tăng 1.900 đồng lên 45.000 đồng/CP. TNG tăng 500 đồng lên 27.300 đồng/CP.
Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVS, PVC, PGS… đã lùi dần xuống dưới mốc tham chiếu. Phiên 5/11, giá dầu tiếp tục giảm 2%, xuống thấp nhất trong hơn một tuần, do lo ngại về tình trạng thừa cung toàn cầu.
Hiện tại, GAS đang giảm 200 đồng xuống 47.800 đồng/CP. Đáng chú ý, trong 2 phiên giao dịch vừa qua, GAS liên tục bị khối ngoại bán ròng mạnh.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như BVH, CTG, VIC, SSI, DBC… cũng đều giảm giá và đang gây ra áp lực khá lớn lên hai chỉ số.
Chiều ngược lại, sắc xanh vẫn được duy trì khá tốt trên một số mã lớn khác như BID, VNM, STB, ACB, SHS… Trong đó, VNM tiếp tục tăng 1.000 đồng lên 129.000 đồng/CP. HAG sau phiên tăng trần hôm qua cũng tiếp tục tăng 200 đồng lên 14.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,2 triệu đơn vị.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,53 điểm (0,09%) lên 615,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 232 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng đang tăng nhẹ 0,2 điểm (0,24%) lên 82,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,9 triệu cổ phiếu, trị giá trên 62,8 tỷ đồng.
VCBS duy trì quan điểm thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn với trọng tâm là các mã vốn hóa lớn với các yếu tố cơ bản tốt. Tuy nhiên việc thanh khoản suy giảm khá trong phiên ngày hôm nay cũng là vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm. Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và quan sát thêm yếu tố dòng tiền. Hành động mua đuổi không được khuyến nghị. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội tại các phiên điều chỉnh để tái cơ cấu lại danh mục theo hướng gia tăng tỷ trọng tại các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong Quý 4/2015 cũng như 2016.
Trong khi đó, theo quan điểm của BSC, siễn biến của thị trường chung đã và đang phụ thuộc khá nhiều vào sự vận động của VNM. Tác nhân tiêu cực có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong thời gian tới có thể là lượng tiền margin của thị trường đang ở mức cao. Do đó, trong trường hợp các cổ phiếu dẫn dắt suy yếu, không loại trừ khả năng thị trường có thể sẽ đối mặt với một đợt bán chốt lời mạnh hơn từ khối nội. Nhà đầu tư nên chốt lãi các cổ phiếu có lãi khá tại các phiên tăng điểm, đồng thời có thể mạo hiểm mở lại vị thế ở những phiên giảm, hạn chế dùng margin giai đoạn này.