Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 4,58 điểm (0,75%) lên mức 615,18 điểm. Toàn sàn có 125 mã tăng, 94 mã giảm và 91 mã đứng giá.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,12 điểm (0,15%) lên 81,85 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 76 mã giảm và 193 mã đứng giá.
Về cuối phiên giao dịch, lực cầu tiếp tục tập trung mạnh vào một sốc cổ phiếu trụ cột trên thị trường đã giúp chỉ số VN-Index một lần nữa vượt qua mốc 615 điểm. Đáng chú ý, phiên hôm nay, VNM tiếp tục thể hiện sức mạnh tuyệt đối với mức tăng 5.000 đồng lên 128.000 đồng/CP và là nhân tố chủ chốt giúp VN-Index bật tăng mạnh.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu cũng nằm trong diện thoái vốn của SCIC giống VNM là FPT phiên hôm nay cũng tăng mạnh 1.500 đồng lên 53.500 đồng/CP.
Phiên hôm nay, thị trường đón nhận đợt bứt phá mạnh của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bảo hiểm và mày mặc. Trong đó, BVH tăng 2.000 đồng lên 65.000 đồng/CP. BMI và GMC đã được kéo lên mức giá trần.
Đáng chú ý, cuối phiên giao dịch, HAG được nhà đầu tư gom rất mạnh và đã được kéo lên mức giá trần, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,7 triệu đơn vị.
Chiều ngược lại, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường như MSN, VIC, VCB, BID, NTP… chìm trong sắc đỏ, mặc dù vậy, mức giảm của các mã này không phải là quá mạnh.
Giao dịch trên thị trường phiên hôm nay diễn ra ảm đạm, thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước và chỉ đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận là hơn 300 tỷ đồng. Dòng tiền trên thị trường ở phiên hôm nay vẫn có phần tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, DLG đứng giá tham chiếu và có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 6,5 triệu đơn vị. Vị trí dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên HNX thuộc về mã TIG, đạt hơn 1,7 triệu đơn vị.
Cuối phiên giao dịch, HQC có thêm thỏa thuận 6 triệu cổ phiếu, trị giá 39 tỷ đồng.
Phiên sáng nay, thị trường tiếp tục chứng kiến những đợt rung lắc tương đối mạnh. Tuy nhiên, nhờ vào lực đỡ của một vài cổ phiếu trụ cột, đặc biệt là VNM nên chỉ số VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh.
Khép phiên sáng, VNM tăng mạnh 3.000 đồng lên 126.000 đồng/CP và là nhân tố chủ chốt giúp chỉ số VN-Index vẫn đứng vững trên mốc 610 điểm. Bên cạnh đó, một vài cổ phiếu trụ cột khác như GAS, VIC, SSI… cũng duy trì được mức tăng giá nhẹ.
Chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên nhiều cổ phiếu lớn như BVH, BID, CTG, VCB, KDC… Trong đó, BVH giảm tới 1.500 đồng xuống 61.500 đồng/CP. VCB giảm 300 đồng xuống 47.900 đồng/CP.
Phiên sáng nay, các cổ phiếu dệt may trên HOSE như TCM, GMC, KMR… đều đồng loạt tăng trở lại. Trong đó, TCM tăng 600 đồng lên 35.200 đồng/CP. GMC tăng mạnh 2.700 đồng lên 43.000 đồng/CP.
Trong khi đó, các cổ phiếu ô tô như TMT, SVC, HTL, HAX… tiếp tục bị bán mạnh.
Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,06 điểm (0,17%) lên 611,66 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 94 mã giảm và 128 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,7 triệu cổ phiếu, trị giá 905,89 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,15%) xuống còn 81,6 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 78 mã giảm và 230 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 25 triệu cổ phiếu, trị giá trên 288 tỷ đồng.
Các cổ phiếu có tính dẫn dắt trên HNX phiên sáng nay phân hóa tương đối mạnh. Trong đó, các mã như AAA, PVS, SCR, PVC, LAS, NTP… đều đồng loạt giảm và kéo chỉ số HNX-Index xuống dưới mốc tham chiếu. Khép phiên sáng, PVS giảm 100 đồng xuống 21.900 đồng/CP. NTP giảm 600 đồng xuống 59.400 đồng/CP.
Các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dệt may như TCM, GMC, TNG, G20... đang gây bất ngờ khá lớn khi đồng loạt tăng giá trở lại. Trong đó, TCM đang tăng mạnh 900 đồng lên 35.500 đồng/CP. GMC tăng 2.700 đồng lên 43.000 đồng/CP. TNG cũng tăng 200 đồng lên 26.900 đồng/CP.
Chia sẻ tại buổi hội thảo "Thị trường chứng khoán cuối năm 2015 - Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành dệt may'' diễn ra cuối tuần trước, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng khi gia nhập WTO dệt may đã có một vị thế đặc biệt và đột phá mặc dù chưa cần tới TPP và việc TPP được thông qua sẽ giúp tác động nhanh hơn tới ngành này từ đó, lợi ích của các nước trong thành viên của TPP sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Hiệp hội dệt may xác định từ năm 2018 đến 2040, Việt Nam sẽ là công xưởng dệt may của thế giới và chỉ đứng sau Trung Quốc.
>>> Xem thêm: Ngành dệt may đã có một vị thế đặc biệt và đột phá mặc dù chưa cần tới TPP
Một tháng sau TPP, cổ phiếu dệt may ra sao?
Thị trường mở đầu phiên hôm nay với những diễn biến khá thận trọng, đa số các cổ phiếu trụ cột trên cả hai sàn HOSE và HNX đều đang giằng co với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.
Trong đó, một số cổ phiếu như BVH, CTG, VCB, NTP, AAA… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu và đang tạo áp lực tương đối lên cả hai chỉ số. Hiện tại, BVH đang giảm trở lại 1.000 đồng xuống 62.000 đồng/CP. VCB giảm 300 đồng xuống 47.900 đồng/CP.
Đa số các cổ phiếu dầu khí như PVC, PGS, PVS… đều đang có biến độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Trong đó, sau khi giảm nhẹ ở đầu phiên, GAS đã tăng trở lại 300 đồng lên 47.800 đồng/CP.
Được biết, GAS đã công bố BCTC công ty mẹ quý III/2015, với doanh thu thuần quý III/2015 đạt 13.983 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. GAS ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế quý III/2015 là hơn 2.324,6 tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, GAS đạt hơn 41.807,6 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 17% xuống mức hơn 7.602 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một thông tin có phần ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ phiếu dầu khí là việc Giá dầu phiên 4/11 giảm 4%, xóa sạch mức tăng của phiên trước đó, do đồng USD mạnh lên và lượng dầu lưu kho của Mỹ tăng mạnh hơn dự đoán.
Chiều ngược lại, sắc xanh vẫn còn được duy trì trên một vài mã như DPM, VNM, SSI, VCG…
Đáng chú ý, ngay từ đầu phiên, SDU đã có thỏa thuận gần 6,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là gần 99 tỷ đồng. Được biết, VNDIRECT và nhiều lãnh đạo của SDU đã đồng loạt đăng ký bán ra cổ phiế này. Hiện tại, SDU đang chưa có giao dịch khớp lệnh.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng trở lại 0,48 điểm (0,8%) lên 611,08 điểm. Tổng khố lượng giao dịch đạt hơn 9,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 202 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,18 điểm (0,22%) lên 81,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 10,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 140 tỷ đồng.
VCBS đánh giá phiên giảm điểm ngày hôm qua phần nhiều do điều chỉnh kỹ thuật và là nhịp nghỉ cần thiết của chỉ số sau phiên tăng khá mạnh liền trước. Thanh khoản, phản ánh dòng tiền, được duy trì tốt và tiếp tục ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường. Vì vậy, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục. Những nhịp điều chỉnh của thị trường trong một xu hướng tăng luôn tạo ra cơ hội để tăng vị thế tại các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong Quý IV năm 2015 cũng như năm 2016.