VNDirect: Mạnh tay chi lương cho môi giới, LNST 2014 tăng 26%

VNDirect: Mạnh tay chi lương cho môi giới, LNST 2014 tăng 26%

Chi phí lương đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 15,3 tỷ. Chi phí môi giới chứng khoán cũng tăng từ 6,3 tỷ lên gần 11 tỷ.

CTCP Chứng khoán VNDirect (mã: VND) đã công bố BCTC quý 4 và cả năm 2014.

Mạnh tay chi lương cho môi giới, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu?

VND đã có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu môi giới khi trong quý 4/2014, doanh thu từ mảng này đạt 50 tỷ đồng - tăng 81% so với cùng kỳ năm 2013 và doanh thu khác (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng, thu nhập từ cho vay ký quỹ và thu xếp vốn) tăng 105,5% lên gần 55 tỷ đồng.

Cả năm, doanh thu môi giới tăng 125% lên 185,5 tỷ và doanh thu khác tăng 67,5% lên 187,4 tỷ.

Trong khi đó, mảng tự doanh lại cho thấy sự ngược lại khi doanh thu trong quý 4 giảm 36% còn 11 tỷ và cả năm giảm 19% còn 53 tỷ.

Quý 4 ghi nhận sự giảm đi của chi phí hoạt động kinh doanh khi chi phí dự phòng phải thu ngắn hạn chỉ còn 2,6 tỷ thay vì 34 tỷ như quý 4/2013. Song chi phí lương đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 15,3 tỷ. Chi phí môi giới chứng khoán cũng tăng từ 6,3 tỷ lên gần 11 tỷ. Trong mục chi phí quản lý kinh doanh cũng cho thấy lương và các chi phí liên quan đã tăng 34% so với quý 4/2013.

Chi phí hoạt động và chi phí quản lý của VND trong năm 2014 đều tăng cao so với năm trước. Dù vậy, với sự tăng trưởng của doanh thu thì lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn tăng 26% lên hơn 157 tỷ đồng. EPS đạt 1.623 đồng.

Giá cổ phiếu SDU tăng hơn 40%, khoản đầu tư của VND vẫn chưa hoàn vốn

Tại thời điểm cuối năm, phải thu giao dịch hoạt động chứng khoán đã tăng vọt từ 472 tỷ lên 851 tỷ trong đó phải thu giao dịch ký quỹ của Nhà đầu tư chiếm gần 692 tỷ. Theo VND, các khoản cho vay này có kỳ hạn ban đầu là 3 tháng và hưởng lãi suất 14% - 14,5%/năm trong thời hạn vay. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ duy trì cho giao dịch ký quỹ tương ứng là 50% và 85%. Trong đó có 112 tỷ phải thu từ hợp đồng bảo lãnh tiền mua (cho vay để mua chứng khoán) và công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho khoản này.

Giá trị chứng khoán sẵn sàng để bán của VND tăng nhẹ so với đầu năm, đạt gần 570 tỷ. Chiếm 286 tỷ là cổ phiếu niêm yết trong đó SDU là cổ phiếu có giá trị đầu tư lớn nhất trong danh mục của VND với 3.252.100 cổ phiếu tương đương giá trị sổ sách là 108,8 tỷ đồng (giá bình quân mua là 33.400 đồng) - thấp hơn 63 tỷ so với giá trị thị trường hồi cuối năm. Đứng thứ 2 là cổ phiếu PTI với 6.112.271 cổ phiếu có giá trị sổ sách 64,2 tỷ - cao hơn 31 tỷ so với giá thị trường.

Từ đầu tháng 10/2014, tức đầu quý 4/2014, cổ phiếu SDU của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà bắt đầu tăng tốc đi lên từ mức giá dưới 10.000 đồng. Chốt năm 2014, cổ phiếu này có giá 14.000 đồng. Dù vậy VND vẫn phải trích lập dự phòng đầu tư với khoản đầu tư này do giá sổ sách lớn.

Mai Linh

Theo Trí thức trẻ