VinaCapital: 2 yếu tố tác động đến nền kinh tế Việt Nam 2015

(NDH) Giá đồng USD tăng và giá dầu giảm đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam ra sao? Trong bản báo cáo của VinaCapital đã phân tích những ảnh hưởng này đến nền kinh tế Việt Nam cũng như đến thị trường chứng khoán.

Tác động của giá USD tăng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã dự đoán được những áp lực của Việt Nam Đồng (VND) trong năm 2015 do giá USD tăng nhưng vẫn đặt chỉ tiêu biến động tỷ giá 2% nhờ Việt Nam xuất siêu (thặng dư cán cân thương mại và thanh toán cùng tỷ lệ dự trữ ngoại hối cao kỷ lục).

Trái ngược với những quốc giá Châu Á khác như Indonesia và Ấn Độ thường nhận những nguồn vốn đầu tư trong ngắn hạn (có thể thoái vốn nhanh chóng và tạo sức ép lên cán cân thanh toán), VND thường bị ảnh hưởng bởi các nhân tố trong nước như lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, nhờ đó trợ giúp sự ổn định của đồng nội tệ. Vì vậy, VinaCapital cho rằng Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ do không có nhiều những nguồn vốn đầu tư như vậy.

Tỷ giá VND/USD

Ngoài ra, tỷ lệ vay vốn bằng đồng USD trong nước vẫn trong vòng kiểm soát của nhà nước và vẫn chưa vượt quá mức độ cho phép trong thương mại, vì vậy Việt Nam không dễ dàng gặp rủi ro vỡ nợ.

Thị trường chứng khoán và trái phiếu không bị tác động tiêu cực bởi giá USD tăng. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao. Cam kết và giải ngân của vốn đầu tư FDI cũng tương đương so với năm ngoái, dòng vốn đầu tư của các quỹ nước ngoài năm 2014 là 250 triệu USD so với mức 300 triệu USD năm 2013.

Ảnh hưởng của giá dầu giảm

Giá dầu giảm ảnh hưởng chủ yếu đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam. Bình quân, Việt Nam xuất khẩu 14 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 100 triệu thùng. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong nguồn thu ngân sách sẽ được đền bù bằng doanh thu từ các ngành kinh tế ngoài dầu, vốn đang kinh doanh tốt nhờ giảm chi phí sản xuất.

Do mục tiêu ngân sách cho năm 2014 sắp hoàn thành nên tác động của giá dầu giảm hầu như sẽ rơi vào năm 2015. Chính phủ dự đoán cứ 1 USD giá dầu giảm sẽ khiến thất thu ngân sách 1.000 tỷ Việt Nam đồng (47 triệu USD). Nếu giá dầu ở mức 60-65 USD/thùng thì ngân sách sẽ thất thu 40.000 tỷ đồng (1,9 tỷ USD). Trong kịch bản xấu nhất, khi giá dầu xuống 40 USD/thùng thì ngân sách sẽ thâm hụt 60.000 tỷ Việt Nam đồng (2,9 tỷ USD).

Giá dầu Brent

Chính phủ Việt Nam gần đây đã nâng thuế nhập khẩu xăng nhằm cân bằng ngân sách. Chương trình cho vay năm 2015 cũng sẽ bị điều chỉnh do ngân sách không đủ. Một điểm cần lưu ý là xuất khẩu dầu thô đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ chiếm 10% trong năm nay so với hơn 25% trong năm ngoái.

Mặc dù Việt Nam xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu các sản phẩm tinh luyện từ dầu nhưng giá trị của 2 lĩnh vực này khá cân bằng. Vì vậy, theo VinaCapital những ảnh hưởng từ giá dầu đến thị trường Việt Nam là không nhiều và sẽ không suy giảm dự trữ ngoại hối, hiện khoảng 38 tỷ USD, một mức tăng so với 35 tỷ USD từ giữa năm 2014.

Lạm phát sẽ giảm nhờ giá dầu giảm. Giá dầu và khí đốt có thể ảnh hưởng đến các ngành kinh tế chính như giao thông vận tải, sản xuất, công nghiệp, điện năng và giá cả những mặt hàng tiêu thụ. Tình hình lạm phát thấp trong năm 2014 được dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2015 do giá năng lượng thấp.

Với chỉ số lạm phát ở mức trung bình thấp, SBV có thể tiếp tục duy trì chính sách kích thích tiền tệ và cắt giảm thêm lãi suất, qua đó thúc đẩy đầu tư vào thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán nhằm tìm kiếm tăng trưởng lợi nhuận. Trong tình hình hiện nay, SBV có thể dễ dàng theo đuổi một chính sách tiền tệ có lợi cho cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.

Theo những phân tích của các chuyên gia kỹ thuật trong chính phủ, dự báo trong năm 2015 nếu giá xăng giảm 10% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 0,55% còn GDP tăng 0,51%. Nếu giá xăng giảm 20% sẽ khiến CPI giảm 1,1%, GDP tăng 1,82%. Nếu giá xăng giảm 30% thì có thể gây thua lỗ cho ngành dầu khí và tác động tiêu cự đến tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ, một chỉ số phản ánh nhu cầu tiêu thụ, sẽ được thúc đẩy do giá xăng giảm sẽ tương đương với việc giảm thuế, qua đó gia tăng lượng tài chính khả dụng của người tiêu dùng trong việc chi tiêu hàng hóa và dịch vụ. Nhu cầu nội địa, vốn ở mức thấp trong năm 2014, có thể tăng mạnh và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2015. Do đó, Vinacapital cho rằng mục tiêu 6%-6,2% tăng trưởng GDP năm 2015 của chính phủ là khả thi.

Cuối cùng, VinaCapital nhận định rằng với giá cả đầu vào giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng, các doanh nghiệp sẽ có thu nhập khả quan hơn, qua đó nâng giá cổ phiếu của các công ty trên thị trường chứng khoán.