Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016 của WB, Việt Nam ghi được số điểm 4,5 trong chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.
Với số điểm này, Việt Nam đứng vị trí thứ 122/189 quốc gia thế giới về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, lùi một bậc so với vị trí thứ 121 của năm trước.
Sự tụt bậc của lĩnh vực này, bên cạnh tiêu chí thương mại qua biên giới, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là quốc gia thực hiện nhiều biện pháp cải cách nhất trong khu vực (với 5 biện pháp), và chỉ số môi trường kinh doanh tổng thể cũng tăng 3 bậc so với năm trước.
Theo WB, tuy chỉ số này không đo lường tất cả các khía cạnh liên quan đến việc bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số, nhưng một thứ hạng cao hơn sẽ đồng nghĩa với việc các quy định của một nước đang bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ tốt hơn.
So sánh trong khu vực, Việt Nam đứng dưới mức trung bình của Châu Á-Thái Bình Dương về bảo về nhà đầu tư thiểu số khi khu vực này ghi nhận số điểm bình quân là 102.
Việt Nam thua Malaysia, Thái Lan và Indonesia, nhưng đứng trên vị trí của Trung Quốc, Philipin và Lào.
Xếp hạng của Việt Nam trong bảo vệ nhà đầu tư thiểu số
Một cách để xem một quốc gia đứng ở vị trí nào trong việc bảo vệ nhà đầu tư là xét các điểm số trong chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số của quốc gia đó trong bối cảnh so sánh với các nước khác.
WB cho biết các nền kinh tế có mức độ bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tốt nhất đòi hỏi phải có mức độ công bố thông tin chi tiết cũng như định rõ trách nhiệm của ban điều hành. Họ cũng phải có hệ thống tòa án hoạt động tốt và các quy định cập nhật để phục vụ hoạt động tố tụng của các cổ đông.
Trong thang điểm về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số (tối đa 10 điểm), lĩnh vực đạt số điểm cao nhất của Việt Nam là chỉ số công bố thông tin và chỉ số quyền cổ đông đều đạt 7 điểm, tiếp đến là chỉ số minh bạch doanh nghiệp đạt 5 điểm. Chỉ số dễ dàng kiện tụng của cổ đông chỉ đạt 1 điểm, chỉ số trách nhiệm của ban điều hành đạt 3 điểm, chỉ số về quyền sở hữu và kiểm soát đạt 4 điểm.
Việt Nam đạt tổng cộng 27 điểm trong các chỉ số phụ về bảo vệ nhà đầu tư
WB cho biết họ tổng hợp chỉ số này dựa trên các thông tin thu thập qua một cuộc khảo sát với các luật sư của các doanh nghiệp, công ty chứng khoán, công ty luật.
Trong báo cáo năm nay, Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 90 về môi trường kinh doanh, tăng 3 bậc so với báo cáo của năm 2014.
Trong các tiêu chí xếp hạng, WB nêu bật sự cải thiện về khởi nghiệp và tiếp cận tín dụng của Việt Nam. Báo cáo đánh giá Việt Nam đã thực hiện thuận lợi hóa khởi nghiệp bằng cách giảm thời gian xin cấp và khắc con dấu. Ngoài ra, người vay cũng được đảm bảo quyền kiểm tra thông tin về tín dụng của mình và văn phòng tín dụng cũng mở rộng diện thu thập thông tin về người vay, qua đó tăng cường hệ thống thông tin tín dụng.
Báo cáo cho thấy tiêu chí về khởi nghiệp của Việt Nam tăng 6 bậc lên vị trí 119, tiếp cận điện năng tăng tới 22 bậc lên vị trí 108, tiêu chí tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc lên vị trí 28, tiêu chí đóng thuế tăng 4 bậc lên vị trí 168, tiêu chí giải quyết nợ tình trạng phá sản tăng 2 bậc lên vị trí 123.
Với 5 tiêu chí được cải thiện ở trên, WB đánh giá Việt Nam là quốc gia thực hiện nhiều biện pháp cải cách nhất trong khu vực, tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) với 4 tiêu chí và và Indonesia với 3 tiêu chí.
Ngoài tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư giảm, tiêu chí thương mại qua biên giới cũng giảm 1 bậc xuống vị trí 99.
Tuy nhiên, Việt Nam lại đứng trên mức trung bình của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về xếp hạng mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh trong báo cáo năm nay khi cả khu vực có mức xếp hạng là 96.