Trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phá sản hoặc ngừng hoạt động tăng lên. Nếu năm 2010 chỉ có 47.000 doanh nghiệp phá sản thì riêng trong 10 tháng năm 2015 đã có hơn 60.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động.
Như vậy, riêng trong 10 tháng năm 2015, số doanh nghiệp giải thể đã tăng gấp gần 1,3 lần so với cả năm 2010.
Trong số doanh nghiệp giải thể, phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng năm nay 60.164 doanh nghiệp, tăng 29,1 % so với cùng kỳ.
Nguyên nhân nào khiến cho các DN tư nhân phải phá sản, ngừng hoạt động tăng mạnh?
Theo tiến sỹ Trần Đình Thiên, kinh tế của Việt Nam và thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, tác động lớn đến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân giải thế là do không tìm được thị trường và tiếp cận vốn vay khó khăn. Chi phí đầu vào tăng cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lao đao
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống kê cả nước có gần 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ mà thực chất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp trong số này tiếp cận được tín dụng chính thức.
VCCI cho biết, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tìm nguồn tín dụng phi chính thức mà không tìm đến các ngân hàng do những ràng buộc về tài sản đảm bảo. Theo ADB, năm 2014, bình quân mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thiếu 42.000 USD vốn tín dụng.
Khó khăn về nguồn vốn phần nhiều hạn chế hoạt động của doanh nghiệp tư nhân dẫn đến các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm vốn và tìm thị trường.
Điểm yếu công nghệ
TS Trần Đình Thiên cho rằng, một khía cạnh quan trọng khiến doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển không bền vững là năng lực công nghệ còn yếu kém.
Năm 2011, chỉ có 0,005% doanh nghiệp có sáng kiến khoa học. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013 của Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ ra mức độ hấp thụ công nghệ của Việt Nam đứng gần cuối trong bảng xếp hạng của thế giới, xếp thứ 98/113.
Ông Thiên cũng cho biết, quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ lại. Nếu như năm 2011 số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 61,4% thì đến năm 2012 đã tăng lên 66,8%.
Một số doanh nghiệp lớn lên được là nhờ quá trình đầu tư và đầu cơ tài sản thay vì phát triển sản xuất, rõ rệt nhất là trong ngành bất động sản.
Điều đáng nói, một số thương hiệu nội địa mạnh đang có xu hướng rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài như Kinh Đô đã bán cổ phần cho Mondelez Ỉnternational. Sắp tới, có thể một số thương hiệu nội địa cũng theo xu hướng này.
TS Vũ Tuấn Anh, chuyên gia kinh tế cao cấp, Viện kinh tế Việt Nam cho rằng doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa và nhỏ "làm sao có thể chạy khỏe khi kỹ thuật lạc hậu, rệu rã, yếu kém."
Chậm đổi mới công nghệ, chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ, chưa làm chủ được công nghệ nguồn dẫn đến doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh bởi năng suất lao động thấp, chi phí nhân công cao. Khi giá thành sản phẩm bị đội lên cao dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.
Theo TS Tuấn Anh thì có "90% công nghệ của các doanh nghiệp được chuyển giao thông qua các doanh nghiệp FDI, chỉ có 10% thông qua các hoạt động mua bán công nghệ trên thị trường".
Cải thiện công nghệ để nâng cao năng suất sản phẩm là điều cần thiết của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và 15 hiệp định thương mại tự do FTA đi vào hiện thực. Nếu không đổi mới, doanh nghiệp sẽ buộc bị đào thải và đóng cửa bởi thiếu năng lực cạnh tranh.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 10 tháng là 7.641 doanh nghiệp, phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 2779 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 36,4%); 2088 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 27,3%); 1650 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 21,6%) và 1124 công ty cổ phần (chiếm 14,7%). |