Theo đại diện một quỹ đầu tư châu Á đang đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam, việc các DN tăng chi phí hoạt động nói chung và CPBH nói riêng chưa nói lên được DN có hoạt động hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào thời điểm "dốc hầu bao", chi phí của quý này so với quý cùng kỳ trước đó và mục tiêu mà DN muốn hướng đến.
Ông Nguyễn Trọng Tấn - Giám đốc Công ty Tư vấn thương hiệu LantaBrand cho biết, chi phí kinh doanh của DN thường chia thành chi phí nhân viên, chi phí hoạt động và chi phí bán hàng.
Chi phí bán hàng thường chiếm từ 15 - 17% doanh thu, tùy vào quy mô DN. Những DN nhỏ thường CPBH chiếm tỷ lệ cao hơn, từ 25 - 30% doanh thu, do đó, không hiệu quả bằng DN có quy mô lớn.
Cũng theo ông Tấn, CPBH của DN phụ thuộc vào thị trường và đối thủ. Việc giải phóng hàng tồn kho cũng là một phần làm CPBH tăng, nhưng điều này không quan trọng bằng hai yếu tố trước.
Chẳng hạn như trường hợp của Vinamilk, vốn từ trước đến nay, ở phân khúc sữa nước, Vinamilk giữ vị thế dẫn đầu với hơn 48% thị phần, theo sau đó là Dutch Lady (Friesland Campina Việt Nam) và TH Milk nhưng hiện nay, thị trường có sự cạnh tranh từ các DN khác cùng ngành như NutiFood hay Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP).
Tháng 9 vừa qua, NutiFood đã giới thiệu Nuti sữa tươi 100% (cùng với sữa chua Nuti, hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai) với "thông điệp" đi kèm là sữa tươi của NutiFood rẻ hơn sữa tươi cùng quy trình sản xuất và công nghệ khoảng 3.000 đồng/lít.
Trong khi đó, sau khi bán 70% cổ phần cho VinaCapital và đối tác Nhật - Daiwa PI Partners với giá 45 triệu USD hồi tháng 12 năm ngoái, IDP đã chi tiền mua hình ảnh đội bóng Liverpool (Anh) để thực hiện các chiến dịch quảng bá, thay đổi bao bì sản phẩm và tăng cường sự có mặt của sữa KUN trong hệ thống siêu thị.
Mới đây, IDP công bố đưa ra thị trường sữa tươi 100% Ba Vì với giá bán rẻ hơn 20% giá sữa tươi Ba Vì hiện nay.
Cùng với mặt hàng sữa nước, theo Euromonitor International, một mặt hàng khác dẫn dắt sự tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam là sữa bột, cũng cạnh tranh khốc liệt.
Theo đó, Vinamilk dù đứng vị trí thứ hai (sau Abbot) nhưng theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, sữa bột đang đối diện với nhiều thách thức, điển hình như việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và có hiệu lực vào đầu năm 2016 và sắp tới khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phê chuẩn thì các dòng thuế nhập khẩu sẽ bị cắt giảm, thì đây sẽ là cơ hội cho các hãng sữa ngoại "vươn vòi".
Hiện, trong số 5 thương hiệu dẫn đầu phân khúc sữa bột, đã có đến 4 là của nước ngoài.
Nhìn vào các chương trình bán hàng gần đây của các hãng sữa có thể thấy, DN đang "đua nước rút" cho khuyến mãi để kích cầu.
Ông Tấn, LantaBarnd bày tỏ quan điểm, trong cuộc chiến giành thị trường, khi đối thủ áp dụng chương trình kích cầu thì các DN trong cùng ngành không thể khoanh tay đứng nhìn.
Năm nay, tình hình cạnh tranh giữa các DN khốc liệt hơn nhiều so với những năm trước, nêm CPBH trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ước tăng từ 10 - 15%.
Thêm nữa, do tháng cuối năm nên DN sẽ tăng quảng cáo, khuyến mãi, hoa hồng để đạt mục tiêu doanh số. Điều đáng nói là chi phí quảng cáo năm nay tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là giá quảng cáo truyền hình ở những giờ vàng hoặc chương trình ăn khách.
Nói về CPBH, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng cho rằng, việc chi phí quảng cáo gia tăng cũng một phần do trước đây, các DN trong nước bị vướng quy định áp trần chi phí quảng cáo (15%) nhưng quy định này đã được tháo bỏ nên không cần phải hạch toán vào các chi phí khác, do đó mới có những con số CPBH "khủng" (một phần do chi phí quảng cáo được ghi nhận thực).
Ngay như Vinamilk, 9 tháng có sự tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận nhưng CPBH tăng do phải đẩy mạnh bán hàng và từ quý 2 trở đi, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đã tác động đáng kể đến chi phí.
Trong khi đó, mảng đạt mức độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng qua có thể kể đến là bất động sản (BĐS).
Để giải phóng lượng hàng tồn kho trong suốt những năm qua và đón đầu sự hồi phục của thị trường, các DN đã không ngại tuyển thêm nhân viên bán hàng, tăng chi phí hoa hồng, quảng cáo.
Năm 2015, BĐS là một trong những lĩnh vực phát triển sôi động nhất của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê của CBRE, trong 9 tháng của năm 2015, số lượng căn hộ tiêu thụ tại TP.HCM đạt gần 24.000 đơn vị, vượt xa mức 17.000 đơn vị năm 2014.
Một số DN như KDH hay NLG dù CPBH tăng nhưng hiệu quả kinh doanh khá khả quan với lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng mạnh.
Chẳng hạn, với Nam Long, LNST trong 9 tháng của năm 2015 đạt 76 tỷ so với khoản lỗ 8,6 tỷ cùng kỳ 2014. Trong khi KDH đạt LNST 9 tháng 2015 ở mức 168 tỷ đồng, tăng 107 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo ông Chinh, trong quý cuối của năm 2015, thời điểm chuyển giao sang năm mới, CPBH của các DN BĐS có thể giảm vì theo thông lệ, cuối năm, người Việt ít mua nhà, trong khi CPBH của DN thuộc ngành FMCG, đặc biệt là lĩnh vực F&B (thực phẩm, đồ uống) sẽ tăng do đây là mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm.
Có những DN tuy CPBH năm nay tăng nhưng sẽ là đòn bẩy để năm sau thu vào (năm 2015 sẽ triển khai quảng bá, giới thiệu dự án nhưng năm 2016 sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận).