VCSC: Cổ phiếu Vietnam Airlines không thích hợp với nhà đầu tư tài chính

(NDH) Đợt IPO không thu hút được các NĐT nước ngoài và các NĐT cá nhân vì định giá của Vietnam Airlines ở mức kém hấp dẫn, khoảng 2,2 lần giá trị sổ sách và tỷ lệ EV/EBITDA 11,7 lần, so với mức lần lượt 1,1 lần và 9,8 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Hiện, Vietnam Airlines đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên của đợt IPO chào bán 25% cổ phần. Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cổ phiếu của Vietnam Airlines chỉ thích hợp với các nhà đầu tư chiến lược hơn là các nhà đầu tư tài chính.

Vietnam Airlines chào bán 352,5 triệu cổ phần trong đợt IPO (tương đương 25% cổ phần) với mức giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phiếu. Trong đó có 20% dành cho các nhà đầu tư chiến lược, 3,5% đấu giá công khai và 1,5% dành cho CBCNV. Đợt đấu giá công khai đã được hoàn tất với giá bình quân 22.307 đồng, mà ở mức giá này giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines sẽ lên mức 1,5 tỷ USD sau khi hoàn tất IPO. Đối với các nhà đầu tư chiến lược, bản cáo bạch cho biết Vietnam Airlines sẽ hoàn tất quy trình lựa chọn và công bố kết quả vào ngày 9/3/2015.

Về đợt IPO, số lượng đăng ký đấu giá công khai chỉ bằng 100,7% tổng số cổ phần chào bán (49 triệu cổ phiếu, 3,5% quyền sở hữu sau IPO).Vietcombank và Techcombank chiếm 98% tổng lượng đăng ký mua. Việc đợt IPO này không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư cá nhân là không quá ngạc nhiên, vì định giá của Vietnam Airlines ở mức kém hấp dẫn, khoảng 2,2 lần giá trị sổ sách và tỷ lệ EV/EBITDA 11,7 lần, so với mức lần lượt 1,1 lần và 9,8 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Vietnam Airlines là công ty hàng không quốc gia chiếm 51,8% thị phần, bao gồm 63,2% tuyến nội địa và 41,6% tuyến quốc tế. Công ty hiện có tổng cộng 91 đường bay trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, Vietnam Airlines đang sở hữu 68% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ (LLC) Jestar Pacific và 49% cổ phần của Cambodia Angkor Air.

Sự phát triển của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air đang làm gia tăng tính cạnh tranh. Thị phần trong các tuyến bay nội địa của Vietnam Airlines đã giảm từ 79,1% còn 63,2% trong giai đoạn 2010 - 2013, trong khi thị phần của VietJet đã tăng đạt 26,1% trong năm 2013.

Trong năm 2013, tuyến quốc tế chiếm 66% doanh thu của Vietnam Airlines từ hoạt động vận chuyển hành khách. Tuyến quốc tế là nhân tố tăng trưởng chính của Vietnam Airlinestrong giai đoạn 2010-2013, như có thể thấy trong cấu trúc Khách luân chuyển (RPK) dưới đây.

Theo VCSC, chi phí nhiên liệu (chiếm xấp xỉ 40% cấu trúc chi phí) và tăng trưởng kinh tế là những yếu tố chính ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines. Biên LNST thấp (0,4% trong giai đoạn 2009-2013) nghĩa là một biến động nhỏ trong giá nhiên liệu sẽ ảnh hưởng lớn lên lợi nhuận của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines hiện đang sở hữu 17 công ty con và 9 công ty liên kết hoạt động trong dịch vụ hàng không, bao gồm từ dịch vụ kỹ thuật, cung cấp nhiên liệu máy bay đến dịch vụ cung cấp suất ăn và dịch vụ hàng hóa.

Khả năng tiếp cận được Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (ECA) được Chính phủ bảo lãnh có nghĩa tỷ lệ nợ cao của Vietnam Airlines vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Sự hỗ trợ của Bộ Tài chính (MOF), vốn cho phép Vietnam Airlines tiếp cận ECA, tạo ra một lợi thế lớn cho Vietnam Airlines so với các đối thủ nội địa.

Điều này cho phép Vietnam Airlines đặt hàng thêm nhiều máy bay lớn để tiếp
tục duy trì vị thế của mình trên tuyến bay quốc tế. 100% nợ quốc tế của VNAL (26 nghìn tỷ đồng, tương đương 65% tổng nợ tại 31/12/2013) được đảm bảo bởi ECA, và các ngân hàng quốc tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục cung cấp tín dụng cho Vietnam Airlines do bản chất ít rủi ro hơn của hình thức này. Liệu Bộ Tài chính có tiếp tục hỗ trợ Vietnam Airlines khi công ty này đã được cổ phần hóa, hay liệu việc ECA vẫn có tầm quan trọng như trước đây khi các cổ đông IPO là Vietcombank và Techcombank (có ưu tiên tiếp cận với thông tin của công ty nhờ vào cổ phần lớn của mình) đã thông báo mở rộng tín dụng cho Vietnam Airlines là một vấn đề thú vị và sẽ được sáng tỏ trong những năm tới đây.