Vasep cho biết có đến hơn 90% doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Vì vâ, đợt điều chỉnh tỷ giá 1% sẽ tác động trực tiếp theo hướng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Còn các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc… tuy cũng thanh toán bằng USD, nhưng do các đồng nội tệ ở những nước này đang mất giá so với đồng USD, nên nhu cầu chưa tăng cao và khách hàng tiếp tục đòi giảm giá nhập khẩu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam lại đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… do Chính phủ các nước này đang thả nổi tỷ giá để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu
Từ đầu năm tới nay, đồng Yên ước tính đã giảm 15-20% so với USD, còn đồng EUR cũng giảm khoảng 20%. Điều này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam là EU và Nhật Bản giảm mạnh.
Trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 251 triệu USD, giảm 10,7%, còn xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 193 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, giá dầu thô giảm kéo theo đó là chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp, nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu của nhiều quốc gia khiến cho xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều bất lợi do các khách hàng nhập khẩu phải mua hàng Việt Nam với giá cao hơn.
Do đó, nhu cầu nhập khẩu của ngày càng giảm, đồng thời các đối tác cũng thương lượng để được giảm giá bán.
Việc tăng tỷ giá USD vừa qua được kỳ vọng sẽ phần nào làm giảm bất lợi cho hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Vasep cho rằng trong thời gian tới, khi tình hình xuất khẩu khả quan hơn sẽ tác động ngược lại theo hướng tích cực vào giá thủy sản nguyên liệu.
Nếu thị trường xuất khẩu tốt hơn, tiêu thụ sẽ tăng mạnh hơn trong quý II và III/2015, và giá nguyên liệu tôm, cá tra trong nước sẽ tăng theo.
Vasep dự báo, sau động thái điều chỉnh tỷ giá, xuất khẩu thủy sản sẽ có động lực hồi phục trong thời gian tới.