VAFI: “Chỉ có Thông tư 36 thôi thì chưa đủ”

VAFI: “Chỉ có Thông tư 36 thôi thì chưa đủ”

Với Thông tư 36, thị trường vẫn có thể xảy ra nhiều phiên giao dịch dòng tiền margin có thể chiếm tới 30%- 40% tổng giá trị giao dịch và điều này là không đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK, tất yếu là thị trường sẽ rung lắc mạnh và khi chỉ số VN-Index càng tăng cao thì thị trường sẽ trồi sụt mạnh chứ không ổn định như các nước trong khu vực.

Đánh giá tác động của Thông tư 36 với thị trường chứng khoán (TTCK),Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằngThông tư 36 ra đời trong bối cảnh tổng lượng tiền margin đã giảm đi nhiều so với những năm trước kia và so với trong năm và đa phần các công ty chứng khoán đã có kế hoạch chuẩn bị từ tháng 12/2014.Tuy nhiên việc ra đời thông tư 36 đã làm TTCK giảm điểm, chủ yếu do nhận thức nhà đầu tư không tỉnh táo cộng với tác động của giới đầu cơ.

Đến thời điểm hiện tại, lượng tiền margin đã giảm đi nhiều so với thời điểm Thông tư 36 ra đời và về thực chất thì Thông tư 36 không ảnh hưởng đến TTCK. Nếu có ảnh hưởng chỉ là yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.

Thông tư 36 có thể có ảnh hưởng đến khả năng đi vay của một số công ty chứng khoán nhỏ. Lãnh đạo công ty chứng khoán nhỏ muốn đi vay thoải mái để làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp nhưng đó là quan điểm sai lầm và thực tiễn đã chứng minh như vậy và lãnh đạo các công ty chứng khoán cần phải biết rằng những nhà đầu tư giá trị luôn luôn không thích đầu tư vào những công ty chứng khoán không có cơ chế kiểm soát margin hữu hiệu trong mọi tình huống .

Ngoài ra, VAFI không đồng ý với ý kiến việc ban hành Thông tư 36 sẽ ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Bởi vì khi đã xác định đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, muốn thành công phải nghiên cứu kỹ tình hình tài chính và khả năng phát triển doanh nghiệp và phải đầu tư lâu dài cho nên sẽ ít có chuyện dùng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu có vay thì chỉ ở tỷ trọng thấp. Còn việc dùng nhiều nguồn vốn tín dụng đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hóa thì sẽ ảnh hưởng mạnh và xấu đến hệ thống ngân hàng và TTCK.
Tuy nhiên, chỉ có Thông tư 36 thì chưa đủ để phòng tránh việc sử dụng margin quá mức bởivề thực tiễn cho vay đầu tư chứng khoán ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, giới đầu tư hay đầu cơ ít sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán, tỷ lệ tiền đi vay đầu tư chứng khoán chỉ chiếm vài % so với tổng giá trị giao dịch hàng ngày. Trung Quốc, HongKong có quy định nguyên tắc là tổng tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán không được vượt quá 10% tổng giá trị giao dịch hàng ngày và từ đó họ có chính sách phân bổ hạn mức cho vay với từng công ty chứng khoán.

Với TTCK Việt Nam, với Thông tư 36 thì có thể vẫn xảy ra nhiều phiên giao dịch dòng tiền margin có thể chiếm tới 30%- 40% tổng giá trị giao dịch và điều này là không đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK, tất yếu là TTCK sẽ rung lắc mạnh và khi chỉ số VN-Index càng tăng cao thì thị trường sẽ trồi sụt mạnh chứ không ổn định như các nước trong khu vực .

Với sự tồn tại của Thông tư 36, có thể tỷ lệ sử dụng margin vẫn không bị hạn chế ở nhiều nhà đầu tư hay chưa có giới hạn thêm về tỷ lệ Mmrgin trong từng mã chứng khoán.
Khống chế tỷ lệ margin với từng cổ phiếu không quá 20%
VAFI kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cầnnghiêm túc tổng kết nhiều cuộc khủng hoảng đã diễn ra trên TTCK để xác định nguyên nhân, trong đó việc thiếu giải pháp kiểm soát margin là tác nhân cơ bản đẩy TTCK xuống mức tồi tệ hơn tình hình thực tế;

Phải có cơ chế kiểm soát được tỷ lệ sử dụng margin ở mức tối đa trong từng phiên giao dịch, trước mắt có thể là tỷ lệ 15% và có chính sách phân bổ hạn mức tín dụng cho vay với từng công ty chứng khoán;

Tỷ lệ margin với từng cổ phiếu phải khống chế theo giới hạn mới an toàn hơn, chẳng hạn tối đa không quá 20%, chứ không phải là mức 50% như hiện nay, đây là mức quá cao sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi không chỉ người đi vay mà cả thị trường.

Theo HẠNH PHÚC