Ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu, lỗi tại ai?

(NDH) Việc ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu không chỉ là do năng lực thông quan, mà còn cả do sự thiếu nghiên cứu về thị trường, do điều kiện địa lý, do làm ăn dễ dãi, do vai trò của nhà nước chưa mạnh… Nói cách khác, có cả lý do khách quan và chủ quan.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về tình trạng ùn tắc dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc bên lề một cuộc tọa đàm về tháo gỡ khó khăn đối với ngành xuất khẩu nông thủy sản do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/4.

Năng lực thông quan hạn chế

Ông Tuấn Anh cho biết việc xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc những năm qua tăng trưởng nhanh, mỗi năm khoảng 10%. Năm nay, dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 130.000 tấn dưa hấu.

Trong khi sản xuất và xuất khẩu dưa hấu tăng, năng lực thông quan ở biên giới của cả phía ta và phía bạn không cải thiện nhiều do sự hạn chế về nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng vật chất.

Việc xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc có đặc thù là chỉ được thực hiện qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Do vậy, tất cả lượng dưa hấu của 4 tỉnh Nam Trung Bộ và miền Tây của Việt Nam đều tập trung ở cửa khẩu Tân Thanh để đợi thông quan.

Doanh nghiệp 2 nước thiếu sự phối hợp

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết việc xuất khẩu dưa hấu chủ yếu được thực bởi các doanh nghiệp đầu mối của cả 2 bên Việt Nam và Trung Quốc. Các thương lái của Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của khoảng hơn 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu Trung Quốc.

Các thương lái và doanh nghiệp đầu mối Việt Nam chưa có được sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ với lại các doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ khâu sản xuất và thu hoạch.

Điều đó dẫn đến tình trạng phía ta cứ chủ động đưa dưa hấu đến biên giới, còn phía bạn tiếp nhận dưa hấu bên đất Trung Quốc sau khi đã thông quan và làm thủ tục tiếp nhận dựa trên quy cách sản phẩm, chất lượng. Các mặt hàng không đủ phẩm chất sẽ bị trả về và gần như không được sử dụng nữa.

Ông Tuấn Anh cho biết 1 xe dưa hấu trên lẽ ra chúng ta chỉ mất 1,5-2 phút để thông quan, nhưng thực tế phải mất 2-4 tiếng đồng hồ để cho xe đó được vận chuyển sang để Trung Quốc tiếp nhận.

Nguyên nhân địa lý

Tình trạng ùn tắc dưa hấu tại biên giới Trung Quốc còn có một nguyên nhân liên quan đến địa lý.

Ông Tuấn Anh cho biết mặt hàng dưa hấu rất dễ canh tác, nên các địa phương - nhất là những nơi canh tác mặt hàng khác khó khăn trong khi trồng dưa hấu lại thuận lợi như các tỉnh Nam Trung Bộ - có xu hướng rất muốn canh tác và tiêu thụ sang Trung Quốc. Đây cũng là thị trường tương đối dễ dãi về quy cách phẩm chất và cách thức mua bán.

Do sức hút của thị trường Trung Quốc, nên việc sản xuất trong nước vẫn mang tính chất tự phát nhiều hơn. Các sản phẩm của chúng ta khi đưa đi tiêu thụ bị ách tắc ở biên giới do tình trạng quá tải.

Vị thứ trưởng cho biết Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành các văn bản ngay từ cuối năm trước và đầu năm để hướng dẫn và khuyến nghị các địa phương tổ chức sản xuất dưa hấu theo cơ sở tính toán về dung lượng thị trường, điều kiện canh tác. Ngay cả thời điểm để gieo trồng, thu hoạch cũng dựa trên năng lực thực tế của thông quan cũng như yêu cầu của thị trường để điều phối và tính toán cho phù hợp.

Các Sở Công thương cũng được yêu cầu hướng dẫn cho người dân việc đảm bảo đúng yêu cầu về phẩm chất, quy cách để tránh bị lãng phí trong hoạt động thương mại dưa hấu với Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chỉ đạo Lạng Sơn thành lập các tổ chỉ đạo liên ngành để tổ chức việc thông quan và thương mại dưa hấu trên cửa khẩu để tránh bất trắc và đảm bảo hiệu quả chung.

Tiêu thụ nội địa chưa được khai thác triệt để

Việc chung tay của người dân trong việc tiêu thụ dưa hấu gần đây không chỉ thể hiện tình cảm đáng quý của người dân Việt Nam, mà nó còn cho thấy sức tiêu thụ nội địa còn tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, vị thứ trưởng cho rằng sự thiếu vắng của các doanh nghiệp phân phối nội địa cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém đã làm giảm khả năng tiêu thụ nội địa.

Ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương đang đang nghiên cứu việc liên kết các tỉnh thành phố có sức tiêu thụ lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các khu vực sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các địa phương và các đầu mối sản xuất.

Ông cũng cho rằng các cơ quan nhà nước cần làm tốt hơn hoạt động tuyên truyền, vận động người Việt dùng hàng Việt, và các biện pháp thúc đẩy thương mại nội địa.

Điều quan trọng hơn là cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu nông nghiệp như chỉ đạo của Chính phủ.

“Tôi rất hiểu mong muốn của người nông dân là thấy được vai trò của Nhà nước mạnh hơn nữa để giải quyết được tận gốc vấn đề, nhưng đây là vấn đề lớn liên quan đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

“Nếu không khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở hiệu quả của quy mô sản xuất, trình độ công nghệ và chuỗi giá trị, thì chúng ta sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng được mùa rớt giá. Hiểu một cách khác, tức là năng lực cạnh tranh của chúng ta vẫn còn yếu kém và giá trị gia tăng trong một giá trị sản phẩm còn rất thấp, chưa kể đến sự đứt đoạn trong khẩu của chuỗi giá trị, nó làm cho sự bất công của nghịch lý xã hội ngày càng tăng. Có nghĩa là người nông dân ngày càng chịu thiệt thòi và các doanh nghiệp đầu mối và thương lái lại có lợi nhuận cao,” ông Tuấn Anh kết luận.