TTF thỏa thuận 4,1 triệu CP giá sàn, VN-Index giảm theo VNM

TTF thỏa thuận 4,1 triệu CP giá sàn, VN-Index giảm theo VNM

(NDH) TFF tăng 300 đồng lên 24.300 đồng/CP và bất ngờ có thỏa thuận 4,1 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn, tương ứng giá trị giao dịch là 92 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,44 điểm (-0,24%) xuống 601,9 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 106 mã giảm và 106 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 122,4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 2.019 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,15%) xuống 81,24 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 97 mã giảm và 178 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 42 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 418,5 tỷ đồng.

Về cuối phiên giao dịch, phần lớn các cổ phiếu lớn trên thị trường như VNM, VIC, VCB, CTG, VCG, ACB… đều đồng loạt giảm giá. Trong đó, VNM tiếp tục cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của mình tới biến động của chỉ số VN-Index. Chốt phiên giao dịch, VNM giảm 2.000 đồng xuống 130.000 đồng/CP và kéo theo sự sụt giảm trở lại của chỉ số VN-Index sau khoảng giằng co ở giữa phiên.

NTP cũng giảm 1.000 đồng xuống 65.000 đồng/CP. FPT giảm 500 đồng xuống 51.500 đồng/CP. BMP giảm mạnh 3.000 đồng xuống 136.000 đồng/CP. Như vậy, có thể thấy được các cổ phiếu nằm trong diện SCIC thoái vốn đều đồng loạt giảm trong phiên giao dịch hôm nay.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác trên thị trường như PVD, PVC, PLC… vẫn còn le lói sắc xanh. Trong đó, PVD tăng 500 đồng lên 33.500 đồng/CP. PVC tăng 200 đồng lên 18.200 đồng/CP. Mặc dù diễn biến giá dầu đã hồi phục trở lại, tuy nhiên một vài mã dầu khí khác là GAS PVS, PVG… vẫn không duy trì được sắc xanh mà lùi về đứng ở mức giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TFF tăng 300 đồng lên 24.300 đồng/CP và bất ngờ có thỏa thuận 4,1 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn, tương ứng giá trị giao dịch là 92 tỷ đồng.

Trong khi đó, FLC tiếp tục cho thấy sự ‘dồi dào’ về thanh khoản, với khối lượng khớp lệnh tiếp tục đạt tới hơn 20 triệu đơn vị. Khép phiên giao dịch, FLC tăng trần lên mức 8.800 đồng/CP. Bên cạnh đó, hai cổ phiếu FIT và KLF cũng khớp lệnh lần lượt 6,2 triệu đơn vị và 5,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, JVC phiên hôm nay đã được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị. Được biết, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên lần 3 diễn ra sáng nay, JVC cho biết sẽ mua lại cổ phiếu quỹ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12.


Về cuối phiên sáng, áp lực bán VNM đã suy yếu đi đáng kể và giúp cổ phiếu này vươn lên đứng ở mức giá tham chiếu, từ đó, áp lực giảm điểm tới chỉ số VN-Index cũng phần nào chững lại.

Trong khi đó, với việc diễn biến giá dầu có phần tích cực trở lại nên các cổ phiếu dầu khí trong phiên sáng nay như GAS, PVD, PXS, PVS, PVC… đều đồng loạt tăng giá. GAS tăng 200 đồng lên 8.500 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng lên 33.500 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng lên 20.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn khác như BVH, AAA… cũng đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu. Đáng chú ý, BVH phiên sáng nay bật tăng mạnh 1.500 đồng lên 58.500 đồng/CP.

Mặc dù vậy, vẫn có khá nhiều cổ phiếu lớn như SSI, KDC, VCG, NTP, ACB, DBC… tiếp tục giảm giá và khiến đà tăng của chỉ số VN-Index không thể nới rộng thêm, trong khi chỉ số HNX-Index đã giảm trở lại. Trong đó, sau 2 phiên tăng giá mạnh, KDC đã giảm trở lại 100 đồng xuống 25.100 đồng/CP.

Thanh khoản trên thị trường phiên sáng nay tiếp tục sụt giảm so với cùng thời điểm phiên trước. Dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào các cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, SBT, FIT, HAI, KLF. Trong đó, FLC tăng 200 đồng lên 8.500 đồng/CP và tiếp tục ẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 13,4 triệu đơn vị. SBT giảm 300 đồng xuống 17.600 đồng/CP và khớp lệnh được gần 4 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 0,98 điểm (0,16%) lên 604,32 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 101 mã giảm và 137 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 60,66 triệu cổ phiếu, trị giá trên 1.027 tỷ đồng.

Trái lại, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,17%) xuống 81,22 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 91 mã giảm và 210 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,7 triệu cổ phiếu, trị giá trên 209,7 tỷ đồng.


Diễn biến giao dịch của chỉ số VN-Index đang phụ thuộc rất lớn vào trạng thái của cổ phiếu VNM. Sau khoảng thời gian đầu giao dịch khá tích cực, VNM đã đảo chiều giảm trở lại kéo theo đó cũng là sự sụt giảm của chỉ số VN-Index. Hiện giờ, VNM đang giảm 2.000 đồng xuống 130.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu lớn khác là VIC, VCB, GAS, KDC, MSN... đều đồng loạt lùi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, các cổ phiếu như FLC, KLF, FIT... vẫn hút được dòng tiền khá tốt.


Sau 2 phiên điều chỉnh giảm khá mạnh và là nhân tố chủ chốt khiến chỉ số VN-Index không thể duy trì được sắc xanh, cổ phiếu này ngay khi mở cửa phiên giao dịch mới đã hồi phục trở lại với mức tăng 2.000 đồng lên 134.000 đồng/CP. Việc VNM hồi phục trở lại đã tác động khá tích cực tới thị trường và giúp chỉ số VN-Index cũng đang lấy lại được sắc xanh.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như VIC, VCB, BID, DPM… cũng đều nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu.

Giá dầu tăng trở lại vào cuối phiên 18/11 nhờ hoạt động mua bù bán khống sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng xuống dưới 40 USD/thùng. Thông tin trên đã phần nào giúp áp lực tại các cổ phiếu dòng dầu khí giảm đi đáng kể. Hiện tại, hai mã GAS và PVC đang giằng co quanh mốc tham chiếu, trong khi PVS, PGS, PVD và PXS đều đồng loạt nhích lên trên mốc tham chiếu.

Mặc dù vậy, chỉ số HNX-Index vẫn lùi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu do chịu áp lực của một số mã như ACB, NTP, SHB, BVS… Hiện giờ, NTP đang giảm 800 đồng xuống 65.200 đồng/CP. ACB giảm 100 đồng xuống 20.100 đồng/CP.

Mã MSN đang giảm 500 đồng xuống 72.500 đồng/CP. Đáng chú ý, MSN đã có 8 phiên liên tiếp lọt vào top 5 cổ phiếu bị khối ngoại trên HOSE bán ròng mạnh nhất, đạt tổng cộng hơn 248,5 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC tiếp tục là tâm điểm với mức tăng mạnh 300 đồng lên 8.600 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 7,3 triệu đơn vị. Được biết, Ngày 17/11/2015, FLC thông báo đã nộp hồ sơ chào bán cổ phần ra công chúng với số lượng dự kiến gần 180 triệu cổ phiếu, mức giá là 10.000 đồng/CP, tương ứng tỷ lệ 20:59.

Một số cổ phiếu cũng đang giao dịch khá mạnh còn có KLF (2 triệu đơn vị), SBT (2,5 triệu đơn vị), FIT (2 triệu đơn vị)…

Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1,33 điểm (0,22%) lên 604,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 23 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 378 tỷ đồng.

Chiều ngược lạ, chỉ sốp HNX-Index đang giảm 0,05 điểm (-0,06%) xuống 81,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 8,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 80 tỷ đồng.

Việc đầu tàu VNM giảm khá mạnh, theo VCBS, là không quá ngạc nhiên khi cổ phiếu này đã tăng nóng liên tục trong thời gian qua đi cùng với lượng đòn bảy tài chính rất cao. Áp lực điều chỉnh của trụ cột này có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến chỉ số trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng những thông tin hỗ trợ mới và động thái khối ngoại duy trì bán ròng tập trung vào các mã vốn hóa lớn trên thị trường như MSN, VIC, HSG, … là tín hiệu không tích cự đối với xu hướng chung của thị trường. Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu vừa phải trong danh mục và cân nhắc giảm tỷ lệ đòn bảy tài chính để hạn chế rủi ro.