TTCK: Khó giải ngân khi cận Tết

TTCK Việt Nam cuối tháng 1/2015 không có nhiều diễn biến đáng để nói. Chỉ số VNIndex tỏ rõ sự hụt hơi khi tiệm cận ngưỡng 480 điểm, các cổ phiếu dẫn dắt trong danh sách VN-30 đều chỉ đứng ở quanh ngưỡng tham chiếu.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có sự bứt phá nhưng thực tế đã không diễn ra như mong muốn.

TTCK Việt Nam cuối tháng 1/2015 không có nhiều diễn biến đáng để nói

Không duy trì đà tăng giá

Điển hình là các mã ngân hàng đã không còn duy trì được đà tăng giá khi áp lực bán ra gây sức ép mạnh, cụ thể ở các cổ phiếu CTG, EIB, MBB. Chỉ số VNIndex chỉ tránh được sự điều chỉnh là nhờ việc mua vào mạnh hai mã GAS và VIC. Dòng tiền dường như đang có sự dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong nhóm những mã có giá trị khớp lệnh cao nhất HSX là những cổ phiếu như HQC, HAI, HAR, VHG, ASM… cùng sự chuyển biến về mặt bằng giá. Trái ngược lại thì trên sàn HNX hầu hết đều ở trong tình trạng giảm nhẹ, nhất là nhóm dầu khí: PVS mất 2,46%, PVG giảm 2,15%, PVC giảm 0,8%, PGS giảm 0,71%. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng hạn chế tham gia khi bán ròng 23,6 tỷ đồng trên sàn HSX và mua ròng 120 tỷ đồng trên sàn HNX. Những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất theo thứ tự là CTG, CII, DXG, SHS, VCG, PPC, với tổng khối lượng giao dịch đạt trên 1 triệu cổ phiếu/mã. Trong khi đó, NTP, HAG, VCB, PVS, BID, MSN là những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.

Dù vẫn còn thách thức và rủi ro, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã và đang dần hồi phục và bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, việc đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sớm kết thúc, kỳ vọng đem lại những cơ hội lớn cho xuất khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là: may mặc, da giầy, nông nghiệp… Các chính sách về vĩ mô cũng được ban hành một cách đồng bộ hơn để phù hợp với môi trường kinh doanh. Do đó, tăng trưởng kinh tế có thể đạt con số khả quan ở mức trên 6%. Vì vậy, trong phát biểu mới đây, Thống đốc NHNN cho biết: Năm 2015, chính sách tiền tệ cơ bản giữ vững như hiện nay. Trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể hạ xuống thêm 1%, hướng tới mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%. Lý do là nhu cầu tín dụng tăng từ mọi thành phần trong nền kinh tế nên mức chỉ tiêu tăng trưởng như trên là hợp lý và khả thi. Hơn nữa, căn cứ trên kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2015 của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Vụ dự báo thống kê (NHNN) chỉ ra: mức độ vay vốn của khách hàng có xu hướng phục hồi rõ nét kể từ quý IV/2014. Về tỷ giá giữa USD và VND, định hướng của NHNN cũng đã thể hiện từ đầu năm nếu có điều chỉnh thì không quá 2% nhằm tạo sự ổn định trên thị trường, tránh tâm lý găm giữ hoặc đầu cơ

Dao động quanh biên độ hẹp

Sự giằng co quanh các ngưỡng kháng cự (580 điểm với VNIndex và 85 điểm với HNX-Index) cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa hai bên cung cầu. Trong bối cảnh kỳ nghỉ Lễ Tết Nguyên đán đang đến dần thì nhiều nhà đầu tư hướng nhiều tới việc gia tăng tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đầu tư thay vì giải ngân để mua vào cổ phiếu. Do đó, nhiều khả năng xu thế chủ đạo của các chỉ số Index trong trung hạn sẽ dao động quanh biên độ hẹp.