TS. Lê Thẩm Dương: Thông tư 36 làm thị trường tài chính phát triển trên nền ổn định và chất lượng

TS. Lê Thẩm Dương: Thông tư 36 làm thị trường tài chính phát triển trên nền ổn định và chất lượng

Tác động của Thông tư 36 lên thị trường chứng khoán trước mắt có thể làm thị trường giảm sút về quy mô, nhưng về lâu dài thị trường đạt được đại cục ổn định.

Chiều ngày 27/11/2014, bên lề cuộc giao lưu liên quan tới cách thức và thủ tục để tiếp cận gói tín dụng lãi suất cạnh tranh để mua nhà và tiêu dùng cá nhân, chúng tôi đã có những trao đổi với TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM về tăng trưởng tín dụng năm 2014 và một số nội dung trong Thông tư 36 mới ban hành.

Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng tín dụng trong năm 2014?

Khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ mang tính định hướng và cái điều quan trọng nhất, thắng lợi nhất trong năm 2014 là chất lượng tín dụng. Điều này thể hiện qua các điểm sau:

(i) Doanh nghiệp rất thận trọng trong vay vốn. Đây là tín hiệu tốt.

(ii) Tăng trưởng tín dụng năm nay khả năng đạt khoảng trên 10% và tăng trưởng GDP khoảng 5,8% trong khi những năm trước tăng trưởng tín dụng cao hơn rất nhiều nhưng tăng trưởng GDP cũng chỉ quanh mức hơn 6%.

(iii) Phía ngân hàng bắt đầu xác định chuẩn cho vay. Chuẩn cho vay đưa ra làm lượng vốn cho vay giảm, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc trong vay.

(iv) Tăng trưởng tín dụng làm phát sinh tiềm ẩn tăng nợ xấu rất đáng quan ngại. Vì vậy, nếu tăng trưởng tín dụng có chất lượng không tiềm ẩn nợ xấu là một thắng lợi. Nợ xấu đã khống chế được. Vì vậy đừng nhìn vào nợ xấu nhiều quá. Hãy nên nhìn vào nợ tốt.

Bên cạnh đó, thành tựu trong năm 2014 của ngành ngân hàng có thể kể đến là việc “lái” dòng vốn vào khu vực sản xuất, cần vốn để phát triển (5 đối tượng ưu tiên).  

Thông tư 36 quy định các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được phép cho vay đầu tư chứng khoán, ông đánh giá mức độ ảnh hưởng của quy định này lên thị trường tài chính như thế nào? Ông có cho rằng quy định này giúp giải quyết vấn đề phát sinh nợ xấu mới không?

Ý kiến của tôi là sẽ có một số ngân hàng không được phép đầu tư chứng khoán nữa, nếu ngân hàng đó có nợ xấu trên 3%; một số ngân hàng được cho vay, nhưng cũng không mặn mà gì. Một số ngân hàng cho vay chứng khoán rất nhiều, nhưng lần này sẽ được chặn trên ở con số 5% (vốn điều lệ).

Do đó, mức độ ảnh hưởng của quy định này lên TTCK theo tôi là làm thị trường phát triển trên nền ổn định và chất lượng, cho dù trước mắt có thể nó giảm sút về quy mô, nhưng  đạt được đại cục ổn định lâu dài.

Không nên nói Thông tư 36 ảnh hưởng làm sụt giảm thị trường chứng khoán. Bởi tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán là một thành phần tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam. Thông tư 36 giúp làm lạnh mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Ở ý thứ hai, quy định này không phải là “anh Tôn Ngộ Không mà có 72 phép thần thông”, nhưng rõ ràng nó tác động để nợ xấu không phát sinh thêm, chưa kể nó ngăn chặn được các yêu tố rất rất xấu là sở hữu chéo và lợi ích nhóm.

Thanh Giang