Hiện tại, diện tích trồng mắcca ở Lai Châu trên 181ha.
Cây mắcca đang được xem là một cây có tiềm năng phát triển trong tương lai ở Lai Châu mặc dù tất cả diện tích trồng chưa cho thu hoạch.
Hộ gia đình chị Nguyễn Khánh Hòa ở thành phố Lai Châu được nhiều người trong ngành nông-lâm nghiệp địa phương biết đến là hộ trồng cây mắcca đầu tiên trên đất Lai Châu.
Năm 2011, chị Hòa làm trang trại chăn nuôi ven thành phố với diện tích 4ha. Mong muốn tìm một loại cây khác lạ để tận dụng phân chuồng trên diện tích 3ha còn thừa, chị đã lên mạng tự tìm hiểu và quyết định trồng ba loại cây; trong đó có mắcca.
Chị Nguyễn Khánh Hòa cho biết: "Lúc đó, tôi mua 600 cây mắcca con tại Trung tâm giống Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với giá 60.000 đồng/cây. Về trồng tại vườn của gia đình, mắcca sinh trưởng tốt, mặc dù thiếu nhân lực, không có điều kiện chăm sóc liên tục. Đến nay, vườn chỉ còn 450 cây mắcca 4 tuổi; cao khoảng từ 1,5-3m."
Năm ngoái, nhiều cây quả đã bói, thu được khoảng chục cân hạt nhân, chị chia hết cho người thân, bạn bè để cùng thưởng thức vị bùi bùi của loại hạt này.
"Không ngờ cây lại cho ra hoa và đậu quả thành từng chùm nhiều đến thế, ngoài sức tưởng tượng của tôi và ở những thông tin trên mạng. Sắp tới, có điều kiện tôi sẽ mở rộng hàng chục hécta nữa để trồng xen cùng nhiều loại cây ăn quả, trong đó có mắcca," chị Hòa cho biết thêm.
Doanh nghiệp Trường Giang ở Lai Châu của chị Lù Thị Bang là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư trồng mắcca trên diện rộng. Chị Bang cho biết, dự án trồng mắcca của chị đang được triển khai tại xã Nậm Pì của huyện Nậm Nhùn.
Theo kế hoạch từ nay đến 2018, sẽ phủ kín 200ha trồng mắcca và táo mèo (dùng để trồng ven, chống gió).
Năm 2015, chị dự tính trồng trước 30ha. Để làm điều này, chị Bang thuê gần 30 hộ dân tộc H'Mông ở bản Pề Ngài 1, xã Nậm Pì làm toàn bộ việc đào hố trồng cây và chăm sóc.
Chị Bang trả 30.000 đồng cho công đào một hố, trồng một cây; 800.000 đồng cho một người chăm sóc 1ha trong một tháng. Tiền được chi trả ngay khi dân vừa đào hố xong nên bà con cũng rất hào hứng.
Đến khi thu hoạch, các hộ dân góp đất sẽ được hưởng 10% sau khi bán sản phẩm.
Ngoài ra, chị Bang cũng cho xây dựng một vườn ươm giống mắcca với quy mô khoảng 10ha. Hiện, vườn đang ươm 1.000 cây mắcca giống được mua tại Trung tâm giống Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và đang cho gieo 1 tạ hạt quả giống.
Khi được hỏi về chuyện đầu ra sản phẩm, chị Bang cho biết: "Trước mắt phải đầu tư trồng sao cho tốt, sau khi có sản phẩm sẽ đầu tư tiếp việc chế biến. mắcca là loại quả quý nên không lo đầu ra. Ngay khi biết tôi trồng và làm vườn ươm, đã có doanh nghiệp nước ngoài đến đề nghị bao thầu tất cả đầu ra khi có sản phẩm…"
Hiện tại, chị Bang đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha mắcca, như vậy, tính ra 30ha mắcca đầu tiên đã ngốn hơn 3 tỷ đồng.
Theo Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu, Tam Đường đang là huyện trồng được nhiều diện tích mắcca nhất với 179,5 ha, thu hút hơn 100 hộ dân tham gia (mỗi hộ trồng từ 1-5 ha).
Hầu như tất cả các xã trong huyện Tam Đường đều trồng và số diện tích trồng từ năm 2012 đã bắt đầu ra hoa, bói quả vào năm nay. Huyện Tân Uyên cũng đang trồng khảo nghiệm 2ha.
Năm 2015, Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu dự định trồng thêm 18 ha mắcca giống và 30 ha mắcca của doanh nghiệp Trường Giang đầu tư tại xã Nậm Pì của huyện Nậm Nhùn; với 3 dòng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo thích hợp với Tây Bắc. Đó là các dòng OC, 246 và 816.
Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu cho rằng, là cây thân gỗ nên mắcca chịu nóng và chịu lạnh đều tốt. Chỉ lo ngại nhất là mưa phùn lúc ra hoa làm hoa rụng và sợ gió to lúc đang trổ quả nhỏ, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc đậu trái. Bà con nên trồng ở vùng đất ít gió hoặc là phải trồng các loại cây có tán cao đã tạo "tường bao" chống gió cho mắcca.
Theo quy trình, trung bình 4 năm mắcca sẽ bói quả, từ 7-10 năm sẽ cho khai thác đều đặn và có thể khai thác được từ 40-60 năm.
Tuy tất cả diện tích trồng chưa cho thu hoạch, nhưng trong ánh mắt của những người đã và đang có tâm huyết với mắcca đều hiện lên một niềm vui, niềm hy vọng loại cây này sẽ làm thay đổi bộ mặt của một địa phương Tây Bắc trong tương lai./.