Chỉ tính riêng số tiền thu được từ thoái vốn 7 tháng đầu năm đã gấp 3 lần so với cả năm 2013. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, hiện vẫn còn nhiều nơi chưa quyết liệt và ở những nơi còn "khoán trắng" cho bên dưới và viện dẫn khó khăn thì hiệu quả còn kém.
DNNN sẽ là đầu tàu khi được tái cơ cấu. Ảnh: ST
Thoái vốn gấp 3 lần năm 2013
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, kết quả cổ phần hoá những tháng đầu năm 2014 có chuyển biến mạnh so với các năm gần đây, cho thấy dự báo năm 2014 cổ phần hóa được khoảng 200 DN và mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được.
Tính đến thời điểm 31-7 đã sắp xếp 76 DN, trong đó cổ phần hóa 55 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Trong 432 DN phải cổ phần hóa đến năm 2015, đã có 348 DN thành lập Ban chỉ đạo, 247 DN đang xác định giá trị DN, 88 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 55 DN đã phê duyệt phương án cổ phần hóa (trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn (TĐ) Dệt may Việt Nam và 12 Tổng công ty (TCT) nhà nước).
Trong số 55 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 32 DN đã bán đấu giá cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM, số còn lại bán đấu giá cổ phần trực tiếp tại DN hoặc tại công ty chứng khoán. Với kết quả khả quan nêu trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, năm 2015 sẽ cổ phần hóa được các DN theo mục tiêu đề ra.
3 đơn vị được Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương đó là Bộ Giao thông vận tải, TĐ Dệt may Việt Nam, TCT Hàng hải Việt Nam vì có nhiều kết quả trong quá trình cổ phần hóa DNNN nói riêng và tái cơ cấu DNNN nói chung. Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo ở 43/43 DN, đang xác định giá trị 40 DN, đã công bố giá trị 20 DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa 12 DN, trong đó có 10 DN đã bán cổ phần lần đầu. TĐ Dệt may Việt Nam đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa toàn TĐ. TCT Hàng hải Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo ở 14/15 DN, đang xác định giá trị 10 DN, đã công bố giá trị, phê duyệt phương án và bán cổ phần ở 5 DN...
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ, TCT, 7 tháng đầu năm đã thoái được 2.975 tỷ đồng (trong đó, chứng khoán là 137 tỷ đồng; tài chính, ngân hàng 1.898 tỷ đồng; bảo hiểm 150 tỷ đồng; bất động sản 104 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước tại các DN không cần nắm giữ 686 tỷ đồng). Trong đó, TĐ Than- Khoáng sản Việt Nam thoái được 1.405 tỷ đồng, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước 475 tỷ đồng, TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam 357 tỷ đồng, TĐ Bưu chính Viễn thông Việt Nam 151 tỷ đồng, TCT Lương thực miền Bắc 120 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tuy số tiền thu được từ thoái vốn 7 tháng đầu năm 2014 gấp 3 lần năm 2013, nhưng so với số vốn cần thoái, tiến độ trên còn chậm. Tổng số tiền thu từ thoái vốn còn thấp so với yêu cầu đề ra, do phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên vẫn khó thu hút được các nhà đầu tư quan tâm.
Chỉ "đích danh" đơn vị chậm trễ
Do yêu cầu gấp rút về cổ phần hóa, thoái vốn đang đến rất gần, trong khi các mục tiêu đề ra còn cao, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần họp bàn và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rốt ráo thực hiện.
Tại Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu DNNN 7 tháng đầu năm do Chính phủ tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự và chủ trì Hội nghị. Hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, định kỳ hàng tháng, hàng quý đều họp Ban chỉ đạo trong đó có các bộ, ngành. Bộ Tài chính đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa, định kỳ hàng tháng, hàng quý làm việc với các DN lớn, các TĐ, TCT rà soát vướng mắc khó khăn trong xử lý tài chính để có những biện pháp xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra đôn đốc và xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc trực tiếp với 13 địa phương, 3 TĐ kinh tế, TCT nhà nước; Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã làm việc với 7 bộ, 22 địa phương, 9 TĐ, TCT nhà nước có nhiều DNNN thuộc diện tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Không chỉ đôn đốc thực hiện, trong cuộc sơ kết mới đây, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã nêu đích danh một số bộ, ngành, địa phương và kiến nghị Thủ tướng nhắc nhở, bởi tuy có chỉ đạo triển khai nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa đạt so với kế hoạch đề ra như các Bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Công Thương; các địa phương: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Ninh; TĐ Công nghiệp Hóa chất. Ngoài ra, còn 84 DN chưa thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, thực chất chưa làm gì; 101 DN đã thành lập Ban chỉ đạo nhưng chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo...
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, công tác chỉ đạo có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, hiện nhiều nơi còn thực hiện chưa quyết liệt, chưa có biện pháp khả thi, chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc. "Thực tế cho thấy, nơi nào thủ trưởng quan tâm, sâu sát, ráo riết, cụ thể vào cuộc thì nơi đó kết quả khả quan. Nơi nào khoán trắng cho bên dưới, viện dẫn khó khăn, thiếu quyết liệt, sâu sát thì kết quả kém", báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN chỉ rõ.
"Dọn đường" tái cơ cấu
Điểm mặt, chỉ tên những bộ, ngành, địa phương và DN có kết quả tái cơ cấu thấp, chưa đạt yêu cầu, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đề nghị các đơn vị này cần nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của mình cũng như có biện pháp xử lý khắc phục để thực hiện có kết quả trong những tháng cuối năm 2014. Trong đó, đề nghị xử lý hành chính đối với lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đề nghị trong tháng 8 phải ban hành Quyết định pháp quy hóa Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Đối với 84 DN chưa thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, trong quý IV-2014 cần thành lập Ban Chỉ đạo và bắt tay vào việc xác định giá trị DN, phấn đấu trong quý III-2015 công bố giá trị DN và phê duyệt xong phương án cổ phần hóa. Đối với 101 DN đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, cần tổ chức ngay việc xác định giá trị DN, phấn đấu trong quý I-2015 tất cả đều công bố được giá trị DN và phê duyệt xong phương án cổ phần hóa. Đối với 159 DN đang xác định giá trị DN, phấn đấu đến quý III-2014 tất cả đều công bố được giá trị DN và cuối quý IV-2014 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Đối với những DN có điều kiện, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đề nghị thực hiện IPO theo quy định; những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức Công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu...
Như vậy, các cơ chế "dọn đường" cho tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của DN đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh, tái cơ cấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo thực hiện có kết quả các mục tiêu, tiến độ đề ra.
Trưởng ban Pháp chế TĐ Than - Khoáng sản Việt Nam Đặng Thị Tuyết: Sẽ thoái hết vốn ở đơn vị không thuộc ngành nghề kinh doanh chính Tính đến tháng 6-2014, TĐ có 51 công ty con (trong đó có 13 công ty TNHH, 34 công ty cổ phần và 4 công ty con ở nước ngoài), 31 đơn vị hạch toán phụ thuộc trong công ty mẹ và 7 đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập. Trong giai đoạn hiện nay, TĐ đang tích cực thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 314/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, TĐ sẽ chuyển 10 công ty khai thác than về thành chi nhánh của TĐ, cổ phần hóa và bán bớt cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu tại một số công ty con cũng như thoái hết vốn, giải thể, phá sản ở một số đơn vị không thuộc ngành nghề kinh doanh chính cũng như hoạt động không hiệu quả. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước: Nếu có nhà đầu tư chiến lược, không cần IPO Có thể thực hiện phương thức cổ phần hóa DN nhưng không cần chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) đối với những DN có nhà đầu tư chiến lược tham gia và cam kết mua hết số cổ phần chào bán (ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức Công đoàn). Theo đó, ngoài phương thức cổ phần hóa như hiện nay, có thể thực hiện phương thức cổ phần hóa như sau: DN đàm phán giá bán, số lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trước, sau đó bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn, rồi chuyển DN thành công ty cổ phần. Sau khi hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, DN có thể thực hiện IPO để thoái bớt phần vốn của Nhà nước tại DN (đối với những DN có chủ trương Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối). |