Sáng ngày 02/11/2015, thị trường chứng khoán đón nhận một đoạn tin làm nức lòng nhà đầu tư khi một tờ báo kinh doanh của Việt Nam đưa thông tin “F&N trả 4 tỉ đô la Mỹ cho phần vốn Nhà nước ở Vinamilk” và được củng cố bằng xác nhận của “Tổng giám đốc một quỹ đầu tư lớn mà đại diện hiện đang là thành viên hội đồng quản trị Vinamilk.” Ngay sau đó, thị trường đã có phản ứng tích cực chứng tỏ sự quan tâm của nhà đầu tư với động thái thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn. Tâm điểm của thị trường sáng nay tập trung vào cổ phiếu VNM. Ngay từ đầu phiên giao dịch, VNM đã tăng mạnh tới 5.000 đồng lên 122.000 đồng/CP.
Con số 4 tỉ đô la trả cho phần vốn Nhà nước ở Vinamilk càng trở nên quan trọng khi so sánh với ước tính tổng giá trị các khoản thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn tính theo giá thị trường ở thời điểm này vào khoảng gần 3 tỷ USD. Và với giá trị 4 tỉ đô la thì đối tác chấp nhận giá một cổ phiếu VNM “cao hơn 43% so với thị giá hiện tại của Vinamilk, tương ứng khoảng 167.000 đồng/cp”
Tuy nhiên, cuối cùng thì tin đồn chỉ là “tin đồn,” chỉ sau 01 ngày khi thông tin trên được tung ra thị trường, nhân vật chính trong câu chuyện là F&N đã có phản ứng chính thức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore phủ nhận thông tin trên đồng thời khuyến nghị cổ đông của mình thận trọng khi giao dịch cổ phiếu dựa trên thông tin này.
Ngay khi thông tin này được đưa ra, thị trường đã có những ảnh hưởng khá tiêu cực. Đà tăng của cổ phiếu VNM có phần bị lung lay. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đối với VNM vẫn ở mức rất cao và giúp cổ phiếu này bứt phá mạnh với mức tăng 6.000 đồng lên 123.000 đồng/CP trong buổi sáng. Những biến động mạnh của VNM có sự ảnh hưởng rất lớn tới chỉ số VN-Index. Điều này cho thấy tầm quan trọng của những thông tin được công bố liên quan đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Phía VNM chưa chính thức lên tiếng về những thông tin này, nên chưa rõ bản chất của vụ việc. Nhưng câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề, liệu những thông tin mà một số tờ báo ở Việt Nam đưa ra nếu không đúng sự thật thì có thể bị xử lý về hành chính hay hình sự ở mức nào?
Đem câu chuyện này hỏi thăm ý kiến của một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, chúng tôi có thêm thông tin về khung pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như kinh nghiệm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để cung cấp cho bạn đọc.
Dưới góc nhìn của vị luật sư, hành vi đưa thông tin không chính xác ra thị trường là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Chứng khoán. Cụ thể như theo Khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán cấm “Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật...”. Người vi phạm điều cấm này được có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng và hậu quả xảy ra.
Ở mức độ nhẹ nhất, hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật bị xử lý hành chính và mức phạt tiền cao nhất cho người vi phạm là 1,4 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu ở mức độ nghiêm trọng hơn, nếu có dấu hiệu hình sự về các tội danh liên quan đến chứng khoán quy định trong Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo phân tích của vị luật sư này, hiện nay nếu đối chiếu với quy định hiện hành về dấu hiệu của các tội hình sự liên quan đến lĩnh vực chứng khoán từ điều 181a, 181b và 181c Bộ luật Hình sự và Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số Điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính và chứng khoán thì việc xử lý hình sự hành vi nêu trên còn có vướng mắc.
“Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì đã có sự sửa đổi, bổ sung rõ ràng hơn về tội danh này”, vị này cho biết.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 1 Điều 215 quy định về Tội thao túng giá thị trường chứng khoán (sửa đổi) thì người nào “đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;” thì có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Vị luật sư này cho rằng, nếu thông tin trên một số báo của Việt Nam là không chính xác thì chắc chắn các cơ quan quản lý, giám sát thị trường cũng sẽ có những động thái thích hợp nhằm giữ gìn trật tự, tránh làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, ở góc độ nhà đầu tư, sự việc này cũng cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy, chuyên nghiệp của F&N trong việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thông tin đính chính được đưa ra tại Singapore ngay sau khi có tin F&N đề nghị mua phần vốn Nhà nước tại VNM mặc dù đó là tin không chính thức tại thị trường Việt Nam. Nội dung thông tin công bố của F&N cũng ngắn gọn, trả lời chính xác thông tin nhà đầu tư quan tâm và đồng thời khuyến nghị cổ đông thận trọng khi giao dịch chứng khoán dựa trên tin này.
Tại thị trường Việt Nam, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán có quy định “Trường hợp có bất kỳ thông tin nào làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán thì người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được uỷ quyền công bố thông tin phải xác nhận hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của UBCKNN, SGDCK.”
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng khó có công ty niêm yết nào thực hiện được đúng như vậy. Các công ty niêm yết hoặc là phản ứng chậm chạp, hoặc là công bố thông tin chung chung không thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư. Vụ việc này cũng cho thấy khoảng cách giữa khung pháp lý và thực thi tại thị trường Việt Nam và thị trường chứng khoán đã phát triển như Singapore vẫn còn lớn, đòi hỏi cơ quan quản lý, các thành viên thị trường sự cố gắng vượt bậc để nâng tầm, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.