Chuỗi phân phối "có vấn đề"
Qua mạng xã hội, hàng chục nhóm thiện nguyện ở Hà Nội đã đứng ra tổ chức thu mua dưa hấu tại ruộng của bà con nông dân Quảng Nam với giá 3.000 đồng/kg và chuyển ra Hà Nội bán cho người dân chỉ với giá 5.000 -10.000đồng/kg. Đặc biệt, trước tình hình ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu Lạng Sơn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp với công đoàn Bộ mua một xe container đang bị ùn ứ tại cửa khẩu, đem về bán tại trụ sở Bộ với mục đích chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, thương lái Việt Nam. Chỉ trong vòng vài giờ, gần 20 tấn dưa hấu đã được bán hết. Tuy nhiên, hành động của Bộ Công thương cũng như các nhóm thiện nguyện bán dưa hấu vừa qua chỉ có thể giải quyết tình thế trước mắt, mang tính chia sẻ còn mấu chốt của vấn đề là phải có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản một cách bền vững.
Làm cách nào để tháo gỡ vấn đề tận gốc, giúp nông dân thoát nghèo bền vững thay vì các hoạt động ủng hộ mang tính tự phát, tình thế hiện nay? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, câu chuyện "được mùa, mất giá" bao năm nay vẫn là điệp khúc lặp lại khiến người nông dân khổ sở. Việc hàng nông sản bán rẻ như cho tại ruộng nhưng qua tay thương lái và nhiều đầu cầu, vào siêu thị giá lại tăng vọt là một bất cập. Nguyên nhân của những bất cập ấy, theo ông Ngô Trí Long, xuất phát từ vấn đề tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian, người dân vì thế thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về nhà buôn, thương lái.
Người dân mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam
Theo các chuyên gia kinh tế, vai trò dự báo nhu cầu thị trường của Bộ Công Thương còn khá mờ nhạt, chưa điều tiết được thị trường nội địa cũng như các thị trường xuất khẩu để cung cấp thông tin cần thiết cho nông dân.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp thu mua nông sản và nông dân như sợi dây mong manh. Các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường. Nông dân phần lớn chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Do tập quán làm ăn manh mún, tự phát nên chất lượng sản phẩm không cao. Điều này cũng khiến các DN thiếu mặn mà thu mua. Về phía các siêu thị lại thường tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi nên nông dân khó đưa được hàng vào đây.
Tiềm năng "sân nhà"
Chủ trương thực hiện mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai, đến nay các mối liên kết này vẫn chưa thật sự đầy đủ, chưa có nhiều mô hình hoàn chỉnh để giữ cho sản xuất ổn định. Hầu hết, đầu ra, giá cả nông sản gần như vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, người nông dân vẫn lao đao khi thường xuyên rơi vào cảnh "được mùa mất giá".
Theo các chuyên gia, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng hay liên kết "bốn nhà" là mục tiêu giúp ngành nông nghiệp sản xuất bền vững. Cụ thể, Nhà nước phải đảm nhận các khâu: dự báo, quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi. Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng, chuyển giao khoa học. Nhà nông phải nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, chủ động liên kết với nhau để tạo ra sản lượng hàng hóa cao, chất lượng tốt; còn doanh nghiệp phải tăng cường mở rộng thị trường.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu thì không thể xem nhẹ thị trường nội địa. Một thực tế hiện nay là đa số người Việt Nam lại chưa được mua những nông sản ngon do nông dân Việt sản xuất. Thị trường trong nước có hơn 90 triệu dân, nông sản rất cần cho những người tiêu dùng này. Việt Nam có thế mạnh về trồng các loại nông sản này nên cần làm tốt khâu phân phối trong nước trước, để người tiêu dùng trong nước được mua nông sản với giá hợp lý thay vì dồn vào xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp, liên kết cùng người nông dân tổ chức sản xuất kinh doanh trên cơ sở nắm rõ dung lượng thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm, giá bán cũng như nhu cầu của từng nhóm khách hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ là cơ hội để cánh cửa thị trường mở toang, hàng nông sản Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi để xuất khẩu. Tuy nhiên, trước đó, nếu khâu tổ chức lưu thông hàng trong nước có vấn đề, bài toán thoát nghèo cho nông dân sẽ trở thành căn bệnh nan y khó hóa giải.
Bởi vậy, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài, một mặt khuyến cáo và định hướng người dân đầu tư vào loại cây trồng hợp lý. Mặt khác, nhà nước cũng cần lên kế hoạch dự phòng nhằm hỗ trợ nông dân giải quyết nông sản ứ đọng kịp thời như tích trữ, chế biến, mở kênh tiêu thụ.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì hoàn thiện đề án "đổi mới phương thức kinh doanh nông sản" nhằm phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Bộ NN-PTNT cũng đã xác định việc tìm thị trường đầu ra cho nông sản phải gắn bó mật thiết với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định những cây, con chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó có chính sách, khuyến khích tạo cơ chế phát triển mạnh mẽ cho những cây, con chủ lực này. Đặc biệt với 4 nhóm nông sản là gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản càng cần phải được quan tâm hơn, vì đây là những nhóm ngành hàng gặp nhiều rủi ro do các biến động của thị trường. Đầu ra cho nông sản Việt Nam không thể mãi quẩn quanh với một vài thị trường khiến chúng ta bị động, lệ thuộc.
GS. Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Đại học Kinh tế quốc dân: Tôi không đồng tình với quan điểm "quy hoạch vỡ", đổ trách nhiệm lên vai người nông dân. Vùng nào có lợi thế gieo trồng loại cây nào thì cần được tạo điều kiện phát triển. Trách nhiệm của ngành công thương là phải tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm. Công tác thị trường còn quá kém, để người dân ùn ùn mang dưa hấu, thanh long, vải thiều lên biên giới bán, bị ép giá nhưng trong nội địa nhiều nơi người dân còn không có để ăn. |