Thứ trưởng Trần Xuân Hà: “Đã đến lúc cần phải sửa đổi Luật chứng khoán”

(NDH) Đến nay khi Luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, Luật tổ chức tín dụng và một số cơ chế chính sách đã được thay đổi, nếu chúng ta vẫn giữ luật Chứng khoán như hiện hành thì sẽ xảy ra sự không đồng bộ và rào cản pháp lý sẽ ảnh hưởng đến TTCK.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2015, thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong năm 2014 như giá trị giao dịch tăng gấp đôi, phát hành thành công 248.000 tỷ trái phiếu chính phủ, tăng 37% năm trước thì TTCK Việt Nam trong năm qua vẫn chưa đạt được như chúng ta kỳ vọng. Theo ông Hà, khuôn khổ pháp lý trên thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù đã được cải tiến, sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn có những bất cập.

“Luật chứng khoán bản thân tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải sửa rồi” ông Hà cho biết.

Luật Chứng khoán đã được sửa một lần năm 2010 nhưng theo ông Hà, đến nay khi Luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, Luật tổ chức tín dụng và một số cơ chế chính sách đã được thay đổi, nếu chúng ta vẫn giữ luật Chứng khoán như hiện hành thì sẽ xảy ra sự không đồng bộ và rào cản pháp lý sẽ ảnh hưởng đến TTCK.

Cũng theo ông Hà, thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh, trong đó điều chỉnh của khu vực thị trường tài chính nói chung.

Đánh giá về Thông tư 36 của NH, theo ông Hà đây là văn bản tích cực, để có thước đo về an toàn tài chính với các TCTD và công cụ trong việc đầu tư tài chính nhưng cơ chế đó tác động ngay đến TTCK.

Rõ ràng có sự liên thông giữa khối tín dụng ngân hàng với khối của TTCK, kể cả khối bảo hiểm."Chúng ta đang tái cơ cấu lại các TCTD, tái cơ cấu TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm do đó trong quá trình tái cơ cấu này đã có những cơ chế chính sách mới ra đời, và từ đó tác động lại đến hoạt động TTCK. Nhất là trong bối cảnh TTCK phụ thuộc vào kênh ngân hàng khá nhiều".

Một điểm quan trọng đó là yếu tố về hội nhập, khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu và rộng trong nền kinh tế quốc tế thì chúng ta phải thực hiện các cam kết trong đó có các cam kết liên quan trực tiếp đến khu vực tài chính và TTCK đòi hỏi chúng ta phải chủ động sửa cơ chế chính sách và ứng phó với hội nhập.

Ông Hà thừa nhận nhiều lúc bản thân cơ quan quản lý nhà nước còn bị động, như việc mở room, liên quan đến huy động vốn nước ngoài chúng ta còn chậm triển khai.

Năm 2015, một trong số các nhiệm vụ cần triển khai đó là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa thị trường phái sinh vào hoạt động, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung sửa đổi nghị định 58 gắn cổ phần hóa với DN niêm yết và cơ chế phát hành riêng lẻ, thứ ba là vấn đề đầu tư nước ngoài trong đó có việc mở room...