Thông điệp "không thiếu tiền cho vay" được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục đưa ra trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước với lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa ngày 15/9.
Theo ông tình trạng "dư tiền" đang khiến các ngân hàng đầu tư mạnh vào trái phiếu Chính phủ, hoặc rót vốn vào lĩnh vực giao thông. "Chưa năm nào Việt Nam xây nhiều cầu đường đến vậy. Đầu tư cho giao thông đã lên tới 480.000 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử, mà cho vay một dự án cũng ít nhất là trung hạn", Thống đốc nói.
Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định "hệ thống ngân hàng hiện không thiếu tiền cho doanh nghiệp vay". Tuy nhiên, việc không có nhiều đơn vị làm ăn tốt nên dù mặt bằng lãi suất giảm dần nhưng tín dụng chưa thể tăng mạnh, từ đầu năm mới tăng trưởng 6%, bằng một nửa mục tiêu đề ra.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm việc với Công ty Công nông nghiệp Tiến Nông về mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Văn Minh - Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa khuyến nghị để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn dễ dàng hơn mà ngân hàng cũng tránh nợ xấu, hai bên cần những buổi đối thoại trực tiếp để kịp thời tháo gỡ khó khăn. "Phải có sự kết nối thường xuyên giữa doanh nghiệp và ngân hàng, may ra trong giai đoạn đó hai bên hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính", ông Chiến nói.
Cũng tại buổi làm việc, thay mặt các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã phản ánh những vướng mắc xung quanh định giá tài sản đảm bảo, cho vay tín chấp... Trước vấn đề này, đoàn công tác ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giao chi nhánh tỉnh tập hợp các vấn đề để xử lý, trên cơ sở doanh nghiệp - ngân hàng cùng chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh Hóa những năm qua phát triển mạnh mẽ, từ một tỉnh gặp nhiều khó khăn đã vươn lên trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hội nhập. Tăng trưởng huy động và tín dụng tại địa bàn đến cuối tháng 8/2014 lần lượt đạt 12% và 7%, cao hơn mức tăng chung của cả nước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,79%.
Để phát huy những lợi thế trên, đoàn công tác khuyến nghị tỉnh Thanh Hóa cần tập trung xây dựng quy hoạch kinh tế vùng, trong đó tập trung vào mũi nhọn là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn 9 tỷ USD và phát triển ngành nông nghiệp. "Thanh Hóa đất rộng, có đầy đủ thành phần kinh tế từ miền núi, trung du, đồng bằng, biển… do vậy phải có quy hoạch với riêng từng vùng", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh nên quy hoạch một số dự án lớn theo chuỗi, chất lượng cao để ngành ngân hàng đưa vào danh mục hỗ trợ vốn để triển khai. Thống đốc cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để thời gian tới Chính phủ có thể ban hành Nghị định mới phù hợp với sự phát triển hiện tại và nhu cầu tái cấu trúc.