Thoái vốn

Hàng loạt vụ thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết trong những ngày cuối năm 2014. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp thoái vốn thành công, vẫn có nhiều vụ thoái vốn bất thành vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngày 31-12-2014, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cho biết đã bán thỏa thuận thành công toàn bộ 2,87 triệu cổ phần TTF (tương đương 3,91% vốn điều lệ) mà ngân hàng này nắm giữ. Như vậy, VietABank đã chính thức không còn là cổ đông của TTF. Theo VietABank, giao dịch được thực hiện ngay trong ngày 31-12, theo phương thức thỏa thuận trên sàn HOSE.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu HFC Việt Nam (HFC) cũng vừa công bố đã bán ra 8,9 triệu cổ phần SAM của CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom. Trước giao dịch, HFC Việt Nam nắm giữ 24,8 triệu CP SAM (tương đương 19,02% vốn điều lệ).

Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của HFC Việt Nam tại SAM giảm xuống còn 12,21% (tương đương 15,97 triệu cổ phần). Được biết, giao dịch được thực hiện trong những ngày cuối năm 2014 và ngay sau giao dịch này, HFC sẽ tiếp tục bán ra 10 triệu CP SAM trong thời gian từ 30-12-2014 đến 28-1-2015.

Cũng trong những ngày cuối năm 2014, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã bán ra toàn bộ 3 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư và Xây dựng bưu điện (PTC). Được biết, toàn bộ giao dịch này được thực hiện thỏa thuận trong ngày 26-12-2014. Căn cứ số liệu giao dịch, được biết VNPT đã thoái vốn tại mức giá 10.000 đồng/CP và số tiền VNPT thu về từ thương vụ thoái vốn này là 30 tỷ đồng.

Một trong những doanh nghiệp niêm yết bị các đối tác và cả cổ đông nội bộ đăng ký bán ra nhiều trong thời gian gần đây là CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC). Trong công bố mới đây, CTCP Thương mại Đầu tư xây dựng Thành Đông cho biết doanh nghiệp này đã bán 2,1 triệu CP OGC để giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4,72% (tương đương 14,16 triệu CP) và chính thức không còn là cổ đông lớn của OGC. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và không còn là cổ đông lớn là 30-12-2014.

Trước đó, doanh nghiệp này đã bán 1,1 triệu CP OGC vào ngày 18-12 để xử lý tài sản đảm bảo theo yêu cầu của ngân hàng. Ngược lại, OGC cũng đăng ký thoái vốn tại các doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ. Cụ thể, OGC đăng ký bán 3,46 triệu cổ phần tại CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) bằng hình thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 31-12-2014 đến 27-1-2015. Tuy nhiên, do thanh khoản của OCH rất thấp nên sau nhiều lần đăng ký bán, OGC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của OCH với tỷ lệ nắm giữ 66,73%.

Các trường hợp thoái vốn bất thành trong khoảng thời gian cuối năm 2014 cũng rất phổ biến. Chẳng hạn, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) thoái vốn bất thành tại 2 doanh nghiệp niêm yết là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA) và CTCP Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí (PXL).

Cụ thể, theo công bố trước đó, PVX đăng ký bán toàn bộ 5 triệu CP PVA trong cả tháng 12 nhưng vẫn không được do giá CP không như dự kiến. Như vậy, PVX hiện tại vẫn là cổ đông lớn nhất của PVA với tỷ lệ sở hữu 22,89% (tương đương 5 triệu CP).

Tương tự, PVX cũng không bán được bất cứ CP PXL nào trên tổng số 13,2 triệu CP đăng ký trong thời gian 1 tháng (từ 1-12 đến 31-12-2014). Hiện PVX vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 13,2 triệu cổ phần PXL (tương đương 16% vốn điều lệ). Nguyên nhân thoái vốn bất thành của PVX vẫn là giá CP không như dự kiến.

Theo Nghị quyết 113/NQ-XLDK ngày 13-2-2014, phê duyệt phương án tái cơ cấu một số đơn vị thành viên của Tổng công ty và Nghị quyết 185/NQ-XLDK ngày 10-3-2014 chấp thuận chủ trương thoái vốn tại các công ty đã niêm yết, PVX sẽ thực hiện thoái vốn một số khoản đầu tư dài hạn với giá bán không thấp hơn giá trị CP khi góp vốn/đầu tư (giá trị sổ sách).

Như vậy, đây chính là lý do khiến PVX chưa thể thoái vốn tại PVA và PXL. Với trường hợp OGC, thoái vốn bất thành tại OCH lý do lại đến từ thanh khoản của OCH. Thực tế, với thanh khoản cực kém như hiện nay, khả năng OGC thoái vốn khỏi OCH là nhiệm vụ bất khả thi. Theo thống kê, trong 1 tháng trở lại đây, chỉ duy nhất phiên 10-12 là OCH được giao dịch với vỏn vẹn 600 đơn vị.