Thị trường mới nổi: Nguy cơ chìm

Thị trường mới nổi: Nguy cơ chìm

Các nhà đầu tư đã trở nên bi quan về thị trường mới nổi khi khu vực này đối mặt với hàng loạt thách thức lớn.

Khi nền kinh tế của các nước giàu bị khủng hoảng từ năm 2008, các thị trường mới nổi dường như trở thành hy vọng tốt nhất cho tương lai của kinh tế toàn cầu. Nhưng vài năm qua sự suy yếu của các nền kinh tế mới nổi cho thấy niềm hy vọng này trở nên mong manh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2015 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi chậm lại. Hai trong số nền kinh tế lớn trong BRIC là Brazil và Nga đang trên đà suy thoái.

Trong khi đó, nền kinh tế đầu tàu của châu Á là Trung Quốc không chắc chắn có thể có một cú "hạ cánh mềm" khi kinh tế nước này tăng trưởng chậm nhất trong vài thập kỷ qua. Lợi thế thị trường mới nổi so với các nước giàu, về tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, sẽ ở mức thấp nhất trong năm nay, kể từ năm 2001.

Andrew Haldane, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Anh, nhận thấy thị trường mới nổi đứng trước "làn sóng khủng hoảng thứ ba" bắt đầu từ năm 2007-08 với các khoản thế chấp dưới chuẩn của Mỹ và khu vực đồng euro trong những năm 2010-12. Tăng trưởng suy giảm đi kèm các khoản nợ công ty khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.

Theo HSBC, các công ty thị trường mới nổi có mức nợ trung bình 90% GDP; riêng ở châu Á, nợ phi tài chính của công ty đã tăng từ 80% GDP năm 2009 lên 125%. Tăng trưởng chậm sẽ khiến việc trả nợ ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt các khoản vay được tính bằng USD. Theo một thăm dò của America Merrill Lynch, các nhà đầu tư cho rằng, hai rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới là đà suy thoái của kinh tế Trung Quốc và một cuộc khủng hoảng nợ tại các thị trường mới nổi.

Lợi nhuận doanh nghiệp đã không tăng trưởng như kỳ vọng là một thách thức lớn. Goldman Sachs ước tính các công ty châu Á đã không tăng trưởng hai con số trên mỗi cổ phiếu từ năm 2010. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tại các công ty thị trường mới nổi đã giảm hơn 7 điểm phần trăm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Các nhà đầu tư lo ngại về một vòng tròn luẩn quẩn bắt đầu: quản lý và hoạch định chính sách kém cỏi, đồng tiền mất giá và áp lực giảm mức sống đang bắt đầu cư xử một cách phản thân.

Tăng trưởng sẽ khuyến khích các chính phủ phải can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế, áp đặt thuế cao hơn hoặc kiểm soát giá cả. Các chính phủ tìm cách đổ lỗi cho giới đầu cơ hoặc các công ty nước ngoài. Tình trạng này làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài và khiến các nhà đầu tư rút vốn.

Capital Economics tính toán rằng có hơn 260 tỷ USD chảy ra khỏi các thị trường mới nổi trong quý III/2015. Về danh nghĩa, con số này thậm chí còn lớn hơn so với khoản tháo chạy của các nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng 2008-09. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định, các thị trường mới nổi đang trong tình trạng bị tổn thương do giới đầu tư tháo chạy khỏi những ngành hoạt động kém đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ.

Theo một khảo sát của Bloomberg, các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009. Trong bối cảnh đó, IIF dự báo dòng vốn được dự kiến sẽ bị rút ròng ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2015 lần đầu tiên kể từ năm 1988. Theo dự báo của IIF, các thị trường mới nổi có thể bị rút ròng tới 540 tỷ USD trong năm nay. IIF tổng hợp số liệu thu thập từ 30 quốc gia.