Thị trường dầu mỏ Châu Á ngày càng khốc liệt

(NDH) Tàu chở dầu Mexico thả neo tại Hàn Quốc trong năm nay là điều lần đầu tiên xảy ra trong hơn 2 thập kỷ. Qua đó cho thấy cuộc chiến thị phần dầu mỏ trên thế giới đang trở nên ngày càng khốc liệt hơn.

Những công ty sản xuất dầu Mỹ Latinh đang gia tăng số lượng cung cấp dầu thô cho thị trường tiềm năng Châu Á, đồng thời cạnh tranh với Ả Rập Xê Út, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp chính cho khu vực này.

Cảng chứa dầu tại Ulsan-Hàn Quốc

Chuyên gia Suresh Sivanandam của Wood Mackenzie Ltd nhận định việc đa dạng hóa trên thị trường Châu Á sẽ giảm tầm ảnh hưởng của Ả Rập Xê Út tại khu vực này. Các nhà máy lọc dầu sẽ có khả năng thương lượng nhiều hơn với những nhà cung cấp dầu thô.

Thị trường Mỹ đang có sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến và đã tăng cường nhập khẩu dầu nặng từ Canada thay vì các nhà sản xuất Mexico và Venezuela. Do đó, các nhà cung cấp Mỹ Latinh đã đẩy mạnh việc giao hàng cho thị trường Châu Á bất chấp Ả Rập Xê Út cắt giảm giá dầu giao tháng 3/2015. Đợt cắt giảm giá của Ả Rập Xê Út đã đưa giá bán dầu cho thị trường Châu Á xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến cũng đã tác động đến thị trường Châu Á. Hàn Quốc đã nhận được lô hàng chở dầu đầu tiên từ Alaska-Mỹ trong 8 năm qua. Đây là quốc gia Châu Á đầu tiên nhận các sản phẩm dầu thô từ Mỹ sau khi những quy định cấm xuất khẩu dầu của cường quốc này được nới lỏng.

Dầu thô của Brazil

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Brazil Petroleo Brasileiro và các đối tác cho biết các đơn hàng tại Châu Á tháng 3/2015 đã tăng lên 9 tàu chở dầu. Mức chiết khấu của giá dầu của các nhà sản xuất Mỹ Latinh so với Trung Đông tại thị trường này đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Các nhà máy lọc dầu tại Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng nhu cầu thêm 5,4 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 5 năm tới. Rất nhiều nhà máy lọc dầu trong khu vực này đã được xây dựng nhằm tận dụng giá dầu rẻ để gia tăng lợi nhuận. Do đó, nhu cầu dầu thô tại Châu Á đã tăng mạnh và tạo cơ hội cho các nhà cung cấp từ Mỹ Latinh.

Theo tập đoàn dầu khí quốc doanh Saudi Aramco, có 53,8% lượng xuất khẩu dầu năm 2013 là đến thị trường Châu Á.

Dầu nặng của Ả Rập Xê Út

Chuyên gia Ehsan Ul-Haq của KBC Energy Economics nhận định Ả Rập Xê Út ngày càng xuất khẩu ít dầu thô nặng mà thiên về hướng sử dụng cho chính các nhà máy lọc dầu của họ.

Theo chuyên gia Erik Nikolai Stavseth của Arctic Securities, xuất khẩu dầu thô từ các nước Mỹ Latinh đến Đông Bắc Á đang ngày càng tăng. Lượng dầu thô nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc tháng 3/2015 ước tính đạt 6,8 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 6,69 triệu thùng/ngày của tháng 2/2015.

Nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc từ Colombia, Ecuador và Bolivia năm 2014 đã tăng lên mức khoảng 8 triệu thùng/ngày, cao hớn mức 390.000 thùng/ngày năm 2013.

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Mexico Petroleos Mexicanos bán dầu ngọt nhẹ Isthmus giao tháng 2/2015 cho Châu Á với mức chênh lệch thấp hơn 7,85 USD/thùng so với với giá trung bình trên thị trường của Oman và Dubai. Đây là mức chênh lệch thấp nhất kể từ năm 1995. Ngoài ra, mức chiết khấu giá bán cho dầu nặng Maya của nước này giao tháng 1 cho thị trường trên cũng ở mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Nhu cầu của Trung Quốc

Theo công ty dầu khí China Petroleum và nhà máy lọc dầu Chemical Corp, họ đã bắt đầu sử dụng loại dầu Lula của Brazil lần đầu tiên vào ngày 15/3/2015.

Các nhà máy lọc dầu tại Deasan Hàn Quốc cho biết họ đã đặt hàng ít nhất 4 tàu chở dầu từ Mexico giao trong năm nay.

Nhà máy lọc dầu Essar Oil Ltd tại Ấn Độ cho biết khoảng 35% lượng dầu thô mà họ sử dụng đến từ Mỹ Latinh.

Theo hãng tin Bloomberg, Essar và Reliance Industries Ltd là 2 trong số những nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ bắt đầu nhập khẩu loại dầu nặng Talam của Mexico.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán thị trường Châu Á sẽ chiếm 2/3 trong tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới trong năm nay. Theo cơ quan này, lượng tiêu thụ dầu mỏ tại Châu Á trong năm nay sẽ đạt 31,2 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 31,1 triệu thùng/ngày của Mỹ.

Phó Chủ tịch Victor Shum của HIS nhận định các nhà sản xuất Mỹ Latinh đang tìm cách đa dạng hóa thị trường của mình và cố gắng tận dụng tình hình tăng trưởng tại Châu Á. “Họ muốn chiếm lĩnh một phần trong thị phần dầu mỏ Châu Á.”