Thị trường ‘bùng nổ’, VN-Index tăng gần 9 điểm – vượt mốc 610

(NDH) Niềm tin của nhà đầu tư đối với VNM vẫn ở mức rất cao và giúp cổ phiếu này bứt phá mạnh với mức tăng 6.000 đồng lên 123.000 đồng/CP.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 8,95 điểm (1,48%) lên 611,71 điểm. Toàn sàn có 155 mã tăng, 79 mã giảm và 75 mã đứng giá.

Tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 0,78 điểm (0,96%) lên 81,89 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 66 mã giảm và 174 mã đứng giá

Tưởng chừng như thông tin F&N phủ nhận tin chào mua 45% cổ phần nhà nước tại VNM sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cổ phiếu này sau khi tăng khá mạnh ở đầu phiên. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đối với VNM vẫn ở mức rất cao và giúp cổ phiếu này bứt phá mạnh với mức tăng 6.000 đồng lên 123.000 đồng/CP.

Chưa dừng lại ở đó, việc VNM bứt phá mạnh trong phiên hôm nay đã kéo theo sự khởi sắc đến với nhiều cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường. Đáng chú ý, mã BVH đã bất ngờ được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, một cổ phiếu cũng nằm trong diện được SCIC thoái vốn là FPT đã tăng trần lên mức 52.500 đồng/CP. VCG tăng 900 đồng lên 12.300 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Thậm chí, các cổ phiếu như VCB, VIC, CTG, MBB, KDC, PVC… cũng đã tăng trở lại hoặc tiến lên đứng ở mức giá tham chiếu sau khi đồng loạt giảm ở phiên sáng. Kết thúc phiên giao dịch, VIC tăng mạnh 1.000 đồng lên 46.000 đồng/CP.

Giao dịch trên thị trường diễn ra khá sôi động, thanh khoản hai sàn được cải thiện đáng kể. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE và HNX đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng gần 600 tỷ đồng là của giao dịch thỏa thuận.

Mã DLG tăng trần và vươn lên dẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 6 triệu đơn vị. Trong khi đó, sau một phiên ‘nghỉ ngơi’, OGC đã lại được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh được hơn 5,8 triệu đơn vị.

Thị trường cuối phiên ghi nhận thêm giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn của HSG (2,5 triệu cổ phiếu) và KDC (3,26 triệu cổ phiếu).


Diễn biến xung quanh việc F&N và VNM là khá phức tạp. Trong khi Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) đã đánh tiếng qua trao đổi thư với đại diện của Vinamilk về mối quan tâm của họ đối với việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại đây, thì mới đây, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin F&N đã bác bỏ sự việc trên.

Ngay lập tức, thị trường đã có những ảnh hưởng khá tiêu cực với thông tin trên. Đà tăng của cổ phiếu VNM có phần bị lung lay. Tuy vậy, khép phiên sáng, VNM vẫn duy trì được mức tăng 3.000 đồng lên 120.000 đồng/CP. Những biến động mạnh của VNM có sự ảnh hưởng rất lớn tới chỉ số VN-Index ở phiên sáng nay, trong bối cảnh các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều có mức biến động giá không quá lớn.

Trong khi đó, một số cổ phiếu lớn như BVH, DPM, STB, PGS… đều đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu và góp phần duy trì được sắc xanh của chỉ số VN-Index. Đáng chú ý, cuối phiên sáng đà tăng của NTP cũng đã bị suy yếu đi đáng kể và mã này chỉ còn tăng 200 đồng lên 60.000 đồng/CP.

Trong khi đó, sắc đỏ đã bao trùm lên hàng loạt các cổ phiếu lớn khác như VCB, VIC, BID, CTG, MBB, KDC, PVC…

Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay diễn ra có phần khởi sắc hơn đôi chút, thanh khoản thị trường được cải thiện phần nào. CII phiên sáng nay giao dịch ở mức giá 23.000 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 3 triệu đơn vị. Trong khi đó, vị trí dẫn đầu khối lượng khớp lệnh trên HNX là VCG, đạt hơn 2 triệu đơn vị. Khép phiên sáng, VCG tăng 500 đồng lên 11.900 đồng/CP.

Một số cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn trong phiên sáng là SEB (1,2 triệu cổ phiếu), DLG (1,5 triệu cổ phiếu) và HSG (2,5 triệu cổ phiếu).

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 0,72 điểm (0,12%) lên 603,4 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 100 mã giảm và 118 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 55,47 triệu cổ phiếu tương ứng trên 1.252,7 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 81,25 điểm, tức tăng 0,14 điểm (0,17%). Toàn sàn có 73 mã tăng, 69 mã giảm và 229 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 24,5 triệu cổ phiếu, trị giá trên 304,7 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: SGX: F&N phủ nhận tin chào mua 45% cổ phần nhà nước tại Vinamilk


Sau phiên điều chỉnh khá mạnh hôm qua, thị trường bước vào phiên giao dịch mới có phần khởi sắc hơn.

Tâm điểm của thị trường lúc này tập trung vào cổ phiếu VNM. Ngay từ đầu phiên giao dịch, VNM đã tăng mạnh tới 5.000 đồng lên 122.000 đồng/CP. Việc VNM bất ngờ bứt phá mạnh như vậy là nhờ vào thông tin Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave (F&N) đã đánh tiếng qua trao đổi thư với đại diện của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) về mối quan tâm của họ đối với việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại đây. F&N chào giá 4 tỉ đô la Mỹ cho số cổ phần Nhà nước sẽ thoái, nguồn tin đáng tin cậy từ giới đầu tư nước ngoài ở TPHCM cho biết.

Việc VNM tăng mạnh cũng đã hỗ trợ tới tâm lý nhà đầu tư và giúp một số cổ phiếu lớn khác trên thị trường như STB, SSI, GMD, PVD, PVS… đều nhích lên trên mốc tham chiếu. Hiện tại, GMD tăng 500 đồng lên 42.500 đồng/CP. PVS tăng 200 đồng lên 21.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu nằm trong diện SCIC giống VNM như FPT, BMP và NTP cũng được 'thơm' lây. Hiện tại, FPT đang tăng 1.000 đồng lên 30.500 đồng/CP. NTP tăng 1.600 đồng lên 61.400 đồng/CP.

Chiều ngược lại, các cổ phiếu ngành ô tô như TMT, HAX, HTL… tiếp tục giảm giá mạnh. Trong đó, HTL và HAX đã bị kéo xuống mức giá sàn. TMT đang giảm 2.500 đồng xuống 55.000 đồng/CP.

Giao dịch trên thị trường đang diễn ra khá chậm, sau 30 phút giao dịch vẫn chưa có mã nào khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Chỉ số VN-Index đang tăng 3,01 điểm (0,05%) lên 605,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 225,8 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,36 điểm (0,44%) lên 81,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,3 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 60 tỷ đồng.

Mặc dù áp lực chốt lời kéo theo một phiên điều chỉnh khá đã xuất hiện nhưng theo VCBS xu hướng tăng của thị trường chưa bị phá vỡ. Việc đà tăng chững lại là cơ hội để các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục. Khi kỳ công bố kết quả kinh doanh Quý 3 dần qua đi thì việc cân nhắc chốt lời ở những cổ phiếu đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng có thể được xem xét, từ đó tạo vị thế chủ động hơn và hướng mục tiêu sang những mã chưa tăng nhiều nhưng hứa hẹn sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong những tháng cuối năm cũng như năm 2016 sắp tới.