Thị trường bánh kẹo: Cửa vẫn còn cho doanh nghiệp nội

Thị trường bánh kẹo: Cửa vẫn còn cho doanh nghiệp nội

(NDH) Bên cạnh giá cả phải chăng cùng với lợi thế am hiểu về hương vị cổ truyền và sở thích của người Việt, các doanh nghiệp bánh kẹo nội như Bibica (BBC), Hữu Nghị (HNF), Hải Hà (HHC) hay Hải Châu đã và vẫn đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Theo BMI, thị trường bánh kẹo Việt Nam ước đạt 26.8 nghìn tỉ năm 2014, tuy nhiên lại khá phân mảnh do tính đa dạng về sản phẩm và quy cách. Năm ngoái, khi KDC chưa bán mảng bánh kẹo cho Mondelez, xét về doanh số, công ty này đứng đầu ngành với khoảng 19% tổng doanh thu của ngành, tiếp theo là 2 doanh nghiệp ngoại Orion Food và Perfetti Van Melle.

Có ý kiến cho rằng, khi KDC rời sân chơi này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên hoàn toàn “lép vế” so với doanh nghiệp ngoại.

Trên thực tế, Việt Nam là một thị trường khá đặc thù, với mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân trên đầu người năm thấp, năm 2014 chỉ là 1.9kg so với mức trung bình của thế giới là 2.8kg (BMI) do thói quen không ăn nhiều đồ ngọt. Hơn nữa, Việt Nam với khoảng 65% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn với mức tiêu thụ bánh kẹo còn rất ít so với tiềm năng. Vì vậy, các doanh nghiệp ngoại có vẻ như đang chiếm lĩnh ở các thị trường thành thị, chủ yếu do tâm lý ưa chuộng đồ ngoại, quy cách sản phẩm, bao bì bắt mắt hơn và sự gia tăng nhanh của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi của nước ngoài kéo theo sự xâm nhập của các sản phẩm nhập ngoại.

Trong khi đó thì các doanh nghiệp nội địa như Bibica (BBC), Hữu Nghị (HNF), Hải Hà (HHC) hay Hải Châu đã và vẫn đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhất là ở khu vực nông thôn, và ở những phân khúc mà các doanh nghiệp này đang có lợi thế.

Ví dụ như phân khúc kẹo với thị trường ước đạt 3.2 nghìn tỉ năm 2014 thì 2 doanh nghiệp Việt là Hải Hà và Bibica gộp lại chiếm tới 37.8% thị phần (2 doanh nghiệp này thị phần ngang bằng nhau). Hoặc như mảng bánh (bánh quy, bánh crackers), ước tính đạt 6.9 nghìn tỉ năm 2014 Kinh Đô, Bibica là 2 doanh nghiệp dẫn đầu với 36.5% và 8.5% thị phần. Vì vậy, thay vì nhìn thị trường bánh kẹo một cách tổng quát, có lẽ các doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất mình đang ở đâu, và đâu là phân khúc mình đang có lợi thế để tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam mua bánh kẹo một phần lớn là để đem đi biếu tặng, nhất là các dịp tết Trung Thu, tết Nguyên Đán,… Xét riêng về thị trường bánh kẹo mùa lễ tết, có vẻ như các doanh nghiệp Việt vẫn chiếm ưu thế vượt trội do lợi thế am hiểu về hương vị cổ truyền và sở thích của người Việt.

Hàng Việt có ưu thế về chất lượng và xuất xứ đảm bảo, an tòan thực phẩm hơn so với các mặt hàng bánh mứt kẹo từ Trung Quốc và giá cả thì “phải chăng” hơn nhiều các nhãn nhập khẩu. Nhất là khi người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, họ sẽ ưu tiên chọn hàng Việt Nam. Đó là lý do vì sao mùa bánh Trung thu năm 2015, hay tết Ất Mùi 2015 vừa qua, Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị vẫn là những nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Sản lượng bánh kẹo của các công ty trên bán ra dịp tết Ất Mùi tăng 15-20% trong khi sản lượng bánh trung thu 2015 tăng 10-15%.

Không phủ nhận KDC là ông lớn trên thị trường bánh kẹo, với doanh thu là 5000 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 536 tỷ năm 2014, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp nội khác như BBC, HNF hay HHC.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng mảng kem mới là mảng kinh doanh rất mạnh của KDC (kem không được tính là mặt hàng bánh kẹo). Ví dụ năm 2014, kem đóng góp khoảng ~900 tỷ doanh thu và khoảng gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho KDC, do tỷ suất lợi nhuận rất cao (trên 50%). Ngòai ra, KDC còn có nguồn thu lãi tiền gửi dồi dào, với lợi nhuận tài chính ròng đạt 117 tỷ đồng năm 2014. Do đó nếu tính riêng mảng bánh kẹo, lợi nhuận KDC sẽ chỉ khoảng 324 tỷ đồng năm 2014. Như vậy xét về lợi nhuận, tương quan có lẽ không đến nỗi quá chênh lệch.

Khi KDC bán mảng bánh kẹo cho Modelez, các doanh nghiệp nội còn lại như BBC, HHC, HNF rõ ràng sẽ có vai trò là những người bảo vệ và duy trì và phát triển thương hiệu Việt trên thị trường bánh kẹo. Nhãn hiệu lâu năm, mạng lưới phân phối rộng khắp (nhất là ở khu vực nông thôn) sẽ là những lợi thế có sẵn. Chiến lược phát triển sản phẩm bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng quy mô sẽ là yếu tố quan trong quyết định thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.