VNM giảm nhanh, VN-Index song hành
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11, chỉ số VN-Index giảm 1,03% xuống 593,83 điểm, sau khi có lúc xuống tận 590,41 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9.
Điểm đáng chú ý nữa, đây cũng là phiên mất điểm thứ sáu trong vòng 7 phiên vừa qua, gần như trùng khớp với diễn biến của cổ phiếu Vinamilk (VNM). Các chuyên gia phân tích cho rằng thị trường giảm nhanh mấy phiên gần đây chủ yếu là do cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường này.
Ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên gia phân tích Nhóm Vĩ mô và Thị trường của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng nếu bóc tách tất cả những vận động của thị trường trong tháng qua, sẽ thấy rằng thị trường biến động chủ yếu do VNM.
“Cổ phiếu này tăng từ 110.000 đồng lên mức đỉnh 140.000 đồng, thì thị trường (VN-Index) tăng từ 590 điểm lên 610 điểm. Hiện tại VNM điều chỉnh ngược lại thì nó cũng ảnh hưởng gần như vậy,” ông Khoa nhận định.
Thực tế cho thấy, sau khi mất khoảng 2 tuần rưỡi để tăng từ ngưỡng 590 điểm lên 615 điểm, chỉ số VN-Index cũng chỉ cần mất chừng ấy thời gian để xóa sạch những gì đã giành được.
VNM còn giảm nhanh hơn. Cổ phiếu này mất 6 phiên để giảm từ mốc cao là 140.000 điểm xuống mức 123.000 đồng khi đóng cửa ngày 24/11, sau 9 phiên để tăng được số điểm tương tự.
Ông Khoa cho rằng việc VNM điều chỉnh trở lại là bình thường do trước đó đã tăng mạnh nhờ báo cáo kết quả kinh doanh tốt, và trên hết là hoạt động mua gom để chuyển nhượng trước khả năng khối ngoại có thể được mở room khi SCIC thoái vốn. Ngoài ra, thỏa thuận của khối ngoại với nhau suốt thời gian cũng rất mạnh và diễn ra trong khoảng từ giá 130.000-140.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, các hoạt động mua gom đó gần đây đã dừng lại, nên VNM không còn động lực nữa, và khi gặp hoạt động chốt lãi thì cổ phiếu này giảm nhanh.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân của CTCK Bản Việt (VCSC), thị trường giảm vài phiên vừa qua chủ yếu do hoạt động giải chấp sau khi có tin nhiều công ty chứng khoán cho vay margin ở mức cao. VNM và FPT nằm trong số những cổ phiếu lớn bị giải chấp.
“Nếu cách đây 2 phiên, việc bán VNM là do margin quá căng, thì 2 phiên gần đây hoạt động margin tăng do giá cổ phiếuVNM giảm quá mạnh và xuống dưới cả ngưỡng giải chấp,” ông Minh nhận định.
Tuy nhiên, theo quan sát trong 2-3 phiên vừa qua, lực cầu từ VNM và cả FPT cũng rất mạnh, khiến giá cổ phiếu không bị giảm sàn như thường thấy ở những cổ phiếu bị giải chấp.
“Đây là 1 điều ấn tượng vì thị giá 2 cổ phiếu này lớn, mà thị trường chấp nhận đứng ra đỡ 2 cổ phiếu này, hay nói cách khác có nhà đầu tư mua vào, thì tôi nhận thấy dòng tiền trên thị trường hiện nay rất mạnh,” ông Minh nói.
Thực tế, VNM thường giao dịch với khối lượng hơn 1 triệu cổ phiếu/ngày trong suốt thời gian qua. Trong lịch sử, VNM chưa có giai đoạn nào giao dịch mạnh như thời gian gần đây.
Vị chuyên gia của VCSC nhận định trong những phiên tới áp lực tâm lý sẽ giảm bớt vì đa số hoạt động giải chấp đã xảy ra trong 3 phiên trở lại đây, nghĩa là dòng tiền margin đã giảm rất nhiều.
Khối ngoại bán cổ phiếu do lo ngại đồng USD tăng
Thị trường điều chỉnh giảm, theo ông Nguyễn Thế Minh, còn do tác động từ việc khối ngoại bán ròng, tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn Masan (MSN).
Thống kê cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8 trong số 10 phiên trở lại đây, với tổng giá trị bán ròng gần 400 tỷ đồng.
Việc khối ngoại bán ròng, theo ông Minh, là do đồng USD mạnh lên rất nhiều, kéo chỉ số CDS của Việt Nam tăng khá cao trong vài phiên vừa qua,khiến nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, bán bớt cổ phiếu ra.
Một yếu tố nữa khiến thị trường giảm sâu là do tâm lý, sau khi VN-Index xuống dưới 600 điểm. Khi thị trường xuống dưới ngưỡng tâm lý chủ chốt, nhà đầu tư thường hạn chế giao dịch, bán bớt danh mục để giảm tỷ trọng cổ phiếu, tránh trường hợp có hiện tượng bán tháo.
Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Khoa của BSC cho rằng mức 590 điểm có thể là ngưỡng cân bằng tạm thời của thị trường, bởi vì trước khi VNM kéo VN-Index lên thì thị trường đã tích lũy ở ngưỡng 585-590 điểm này.