Thông tin trên đã được ông Sengupta khẳng định với ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trong một cuộc gặp mới đây.
Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng khiến nhà đầu tư nước ngoài muốn triển khai dự án BOT điện |
Tata Power là công ty đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho đầu tư Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, quy mô 1.320 MW, vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD, theo hình thức BOT. Vào tháng 11/2013, Tata Power cũng đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Công thương về việc triển khai dự án này.
Thông tin từ Tata Power cho biết, hiện Công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán với Bộ Công thương về các thủ tục đầu tư, chuẩn bị triển khai Dự án…
Theo kế hoạch, tháng 5/2015, Tata Power sẽ mở thầu để chọn đơn vị thẩm tra kỹ thuật của Dự án; tháng 6/2015 sẽ tiến hành đàm phán các hợp đồng của Dự án với Bộ Công thương.
Hiện tại, báo cáo đánh giá về tác động môi trường của Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản thông qua và sẽ có phê duyệt chính thức trong thời gian tới.
Trong khi đó, liên quan kế hoạch vận hành nhà máy, đại diện Tata Power cho biết, thời gian có thể sẽ phải lùi xuống cuối năm 2020, thay vì năm 2019 như dự kiến ban đầu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong triển khai Dự án, đưa Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 đi vào hoạt động đúng kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu đã cam kết sẽ thực hiện tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho Tata Power.
Trung tâm Nhiệt điện Long Phú bao gồm 3 nhà máy, với tổng công suất 4.400 MW. Trong đó, Nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, công suất 1.200. Nhiệt điện Long Phú 2 đã được giao cho Tata Power đầu tư xây dựng, còn nhà máy số 3 vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.
Ngoài Tata Power đang bày tỏ mong muốn đầu tư nhà máy này, tháng 6/2013, Tổ hợp nhà đầu tư Daelim Industrial Co., Ltd và East - West Korea Power Co., ltd (DAELIM-EWP) Hàn Quốc cũng đã đề xuất kế hoạch đầu tư vào Dự án. Thậm chí, vào thời điểm đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với DAELIM-EWP về việc đầu tư phát triển Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3.
Giữa tháng 6 năm ngoái, khi Thủ tướng Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này cũng đã một lần nữa đề xuất việc DAELIM-EWP đầu tư Nhiệt điện Long Phú 3. Khi ấy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Tổ hợp DAELIM-EWP Hàn Quốc tham gia đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3, sau khi Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các động thái này cho thấy, đầu tư vào các dự án BOT ngành điện tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Thông tin mới nhất, Tập đoàn AES (Mỹ) đang tiếp tục tìm kiếm địa điểm để đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 3 tại Quảng Ninh. Dự án này nhiều khả năng sẽ được xây dựng tại Đầm Hà, với công suất 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Mặt khác, AES-TKV cũng vẫn đang nỗ lực để đưa Nhiệt điện Mông Dương 2, vốn đầu tư 1,95 tỷ USD, vận hành đúng tiến độ.
Ngày 20/3 vừa qua, AES-TKV đã đưa tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 đi vào hoạt động, với công suất 560 MW. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành và chạy thử toàn bộ nhà máy vào nửa cuối năm nay, Nhiệt điện Mông Dương 2 ước tính sẽ sản xuất 7,6 kWh điện mỗi năm và sẽ chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm khai thác.
Như vậy, thì cùng với Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3, đến nay, Việt Nam đã có 3 nhà máy điện BOT đi vào hoạt động. Con số này là khá nhỏ so với lượng dự án BOT ngành điện mà các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang theo đuổi.