Tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I năm 2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta đạt gần 6,13 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014.

Ðiều đáng lo là hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như cà-phê, gạo, thủy sản, gỗ... đều giảm. Trong đó, hai ngành hàng cà-phê và thủy sản giảm mạnh. Khối lượng xuất khẩu cà-phê ước đạt 350 nghìn tấn với kim ngạch 734 triệu USD, giảm 41,4% về khối lượng và giảm 37,3% về giá trị. Ðối với ngành hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 5 năm qua. So với cùng kỳ năm 2014, giảm tới 23%, trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất, gần 30%; cá tra khoảng 18%; cá ngừ hơn 13%.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nông sản thế giới đang ở thời điểm bão hòa. Trong khi đó, giá của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta lại cao hơn các nước. Ðơn cử như ngành hàng thủy sản, những "đối thủ" cạnh tranh là Ấn Ðộ, Thái-lan đang vào vụ sản xuất, sản lượng tăng và giá bán thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Giá tôm loại lớn của Ấn Ðộ giảm đến 2 USD/kg, loại nhỏ giảm từ 0,5 đến 1 USD/kg. Ngoài ra, một số mặt hàng như tôm Việt Nam còn bị áp thuế chống bán phá giá và chịu áp lực từ luật nông trại của Mỹ.

Nhằm giảm áp lực về số lượng lớn hàng tồn kho và giữ thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách hạ giá thành nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, giải pháp này nếu không có sự giám sát, hướng dẫn chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đơn vị xuất khẩu và gây tổn thất về kinh tế cho người sản xuất. Trong khi đó, theo dự báo, xu hướng giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ tiếp tục đi xuống. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần phải có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến nông sản, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Hiện nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, phí vận tải nước ta cao hơn so với các nước trong khu vực. Ðây là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Do đó, các cơ quan chức năng phải xem xét, điều chỉnh hợp lý giá cước vận chuyển nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp nói chung, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng vượt qua thời điểm khó khăn.

Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các ngành chức năng, rất cần sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm tạo ra những nông sản có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế.