Tài sản công sẽ đi về tay ai?

Sau làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, có thể xảy ra việc một phần không nhỏ tài sản công vào tay một nhóm nhà đầu tư "siêu giàu".

Có thể thấy rõ, Việt Nam đang trong làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với khá nhiều tài sản giá trị. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận được với các tài sản này. Một số nhà đầu tư còn quan ngại về việc khó có cơ hội mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước.

Chính sự e dè của các nhà đầu tư bên ngoài đang khiến cho kế hoạch cổ phần hóa hơn 240 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015 nhiều khả năng sẽ khó đạt, thậm chí phần giá trị mà Nhà nước thu về từ việc bán các tài sản cũng chưa chắc đạt được quy mô như kỳ vọng. Song ở một khía cạnh khác, đã có một số lượng tài sản về tay một số nhà đầu tư với giá không đắt.

Tài sản tìm nơi trũng

Tổng quan, các thương vụ bán tài sản nhà nước thời gian qua chưa gây tiếng vang lớn. Chưa có thương vụ nào được xem là chuẩn mực để các doanh nghiệp khác học theo. Nhiều thương vụ IPO doanh nghiệp nhà nước chỉ chứng kiến sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài ở mức độ vừa phải, thậm chí có thể lác đác. Chỉ có thể thấy, một trong các nhà đầu tư tạm gọi là tích cực nhất trong các thương vụ IPO của doanh nghiệp nhà nước chính là các tổ chức tài chính.

Điển hình như trong thương vụ cổ phần Cảng Sài Gòn. Có 2 ngân hàng là VietinBank và VPBank đã trở thành nhà đầu tư chiến lược với tỉ lệ nắm giữ lần lượt là 9,07% và 7,44%. Trong khi đó, ở thương vụ cổ phần hóa Vietnam Airlines, hai ngân hàng là Vietcombank và Techcombank cũng trở thành những cổ đông thắng cuộc trong thương vụ đấu giá mà cũng chỉ có họ là những nhà đầu tư tổ chức duy nhất tham gia. Tổng số tiền Vietnam Airlines thu được trong thương vụ IPO đó chỉ hơn 1.000 tỉ đồng.

Hay như trong thương vụ cổ phần hóa Tổng Công ty Rau quả - Nông sản Việt Nam (Vegetexco) mới đây, Tập đoàn T&T và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) của Bầu Hiển đã thâu tóm tổng cộng 50% cổ phần. Một công ty khác có liên quan đến BSH là Art Export cũng mua 10% cổ phần trong thương vụ này. Điều đáng nói là giá trị trung bình cho mỗi cổ phiếu trong thương vụ chỉ có 10.052 đồng/cổ phiếu, tức là các doanh nghiệp có liên quan đến Bầu Hiển có thể chỉ tốn hơn 400 tỉ đồng để sở hữu một doanh nghiệp đang thuê và sở hữu hơn 171.000 m2 đất ở TP.HCM, Hà Nội, Nam Định và Bình Phước. Và nhờ đó, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh truyền thống là rau quả, Bầu Hiển có thể cùng Vegetexco triển khai một số dự án bất động sản có tiềm năng, mang lại doanh thu tốt trong các năm tới. Có lẽ ông đã thắng không nhỏ trong thương vụ này.

Tai san cong se di ve tay ai?

Trong thương vụ cổ phần hóa Vegetexco, các công ty có liên quan đến Bầu Hiển có thể chỉ tốn hơn 400 tỉ đồng để sở hữu một doanh nghiệp đang thuê và sở hữu hơn 171.000 m2 đất ở TP.HCM, Hà Nội, Nam Định và Bình Phước - Ảnh: Linh Phạm

Rõ ràng, nếu so với các nhà đầu tư khác, các tổ chức tài chính tư nhân có nguồn tiền dồi dào. Họ cũng có nhiều cơ hội thẩm định tài sản doanh nghiệp nhà nước chính xác hơn các đối thủ khác nhờ vào quá trình hợp tác cho vay tín dụng. Nhưng liệu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước sẽ sinh lãi thế nào nếu chỉ rơi vào tay của các tổ chức tài chính mà không phải là nhà đầu tư có kinh nghiệm chuyên môn? Điều này quả thật là câu hỏi khó!

Tình trạng thiếu vắng nhà đầu tư bên ngoài trong các thương vụ cổ phần hóa, nhất là các nhà đầu tư ngoại còn là do vấn đề "bất cân xứng thông tin" trong việc định giá tài sản, nhất là những vấn đề liên quan đến giá trị đất đai, quyền sử dụng đất và thuê đất, khiến một số nhà đầu tư cảm thấy quan ngại.

"Tôi cảm thấy nghi ngờ. Chính phủ cần thuê các công ty chứng khoán chuyên nghiệp để đảm nhận việc triển khai các thương vụ IPO", ông Michel Tosto, Giám đốc Khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nói về thực trạng thiếu vắng thông tin của các doanh nghiệp nhà nước.

Bài học kinh điển nhất cho khối ngoại vẫn còn rõ nét. Đó chính là thương vụ IPO cực nóng của ngân hàng Vietcombank hồi năm 2007. Giá cổ phiếu trung bình được bán ra khi ấy là 107.000 đồng/cổ phiếu, một mức giá được xem là khá đắt nếu đem so sánh với mức giá chào mua trước đó khoảng 43.000-65.000 đồng/cổ phiếu của các nhà đầu tư chiến lược. Cuối cùng, thương vụ IPO cũng diễn ra thành công nhưng Vietcombank đã không có nhà đầu tư chiến lược nào tham gia vào thời điểm đó. Sau một năm kể từ thời điểm IPO, giá cổ phiếu của ngân hàng này cũng sụt giảm xuống chỉ còn 29.000 đồng/cổ phiếu.

Chính việc chưa rõ trong công tác định giá làm cho các nhà đầu tư ngoại thật sự rất do dự khi lên kế hoạch mua lại các tài sản của Nhà nước sau này dù họ rất quan tâm đến chúng.

Một vấn đề khác trong quá trình cổ phần hóa khó lôi kéo được nhiều nhà đầu tư tham gia chính là quy trình còn chưa hợp lý. Điển hình là trường hợp cổ phần hóa các tổng công ty Cienco thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Họ là nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lớn nhất Việt Nam, đồng thời sở hữu trong tay khá nhiều những mảnh đất có vị trí đẹp. Tuy vậy, không phải nhà đầu tư nào cũng dễ dàng tiếp cận các tài sản đáng giá này.

Một mẫu số chung có thể nhìn thấy từ các thương vụ này là có một tỉ lệ nhỏ cổ phiếu sẽ được mang ra đấu giá để xác định giá khởi điểm. Sau đó, các tổng công ty chọn các nhà đầu tư chiến lược và cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thoái toàn bộ cổ phần nắm giữ còn lại cho các nhà đầu tư chiến lược đó thông qua giá thỏa thuận. Thậm chí có một số cổ phiếu công ty thuộc Cienco bị "thờ ơ" trong phiên đấu giá đầu tiên (khiến giá trị trúng thầu rất thấp) nhưng sau đó một thời gian bỗng xuất hiện một "nhà đầu tư không xác định rõ" giang tay ra thâu tóm toàn bộ số cổ phần theo hình thức thỏa thuận trọn lô và không cần thông qua đấu thầu.

Hiện tại, các tên tuổi kiểm soát những công ty thuộc Cienco lại là những tên tuổi còn khá mới như Tuấn Lộc, Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Fecon, Thiết bị Xây dựng Hồng Hà hay Hassyu Nhật Bản, Tasco, Liên hợp Xây dựng Vạn Cường.

Nhưng ai là ông chủ thực sự của các doanh nghiệp này? Và có chăng chỉ những người thật sự gần với các doanh nghiệp nhà nước mới biết đâu là thời điểm phù hợp để tham gia vào quá trình IPO với chi phí thấp?

Ngay cả những người trong cuộc cũng cảm thấy lo lắng về nguy cơ tài sản nhà nước bị bán ra bên ngoài với giá không đáng khích lệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng lên tiếng rằng việc lấy giá bán cổ phần lần đầu làm cơ sở cho các trường hợp bán tiếp vốn với khối lượng lớn, đặc biệt là những trường hợp làm thay đổi tỉ lệ chi phối của Nhà nước có thể là sơ hở gây thất thoát vốn thu về cho ngân sách quốc gia.

Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường StoxPlus, có quá nhiều thách thức cho nhà đầu tư khi tham gia vào các thương vụ IPO ở Việt Nam như cần quá trình phê chuẩn của các chính quyền, thông tin bất cân xứng và những vấn đề liên quan đến định giá cũng như quyền sử dụng đất.

Tai san cong se di ve tay ai?

Nhựa Bình Minh nằm trong danh sách những doanh nghiệp mà SCIC sẽ thoái vốn trong thời gian tới - Ảnh: Thuận Thắng

Các thương vụ thoái vốn một phần hay hoàn toàn của Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong các năm tới như các thương vụ cổ phần hóa MobiFone, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn. Mới đây Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh, Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia hay các công ty nhựa có thị phần lớn nhất Việt Nam như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong.

Đây đều là những tài sản có giá trị cao, trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD; do đó, chúng rất được thèm khát trên thị trường. Sẽ có nhiều cuộc "tranh đấu" dữ dội giữa các nhà đầu tư để sở hữu chúng và vì vậy, Nhà nước cần vạch ra một cơ chế thoái vốn hoàn hảo hơn, minh bạch hơn để mang lại lợi ích lớn nhất, đảm bảo được tính công bằng giữa các nhà đầu tư cũng như tránh được hiện tượng lợi ích nhóm.

Sẽ xuất hiện tầng lớp "siêu giàu"?

Sau làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, có thể xảy ra hiện trạng một phần không nhỏ tài sản nhà nước được chảy vào trong tay một số ít nhà đầu tư. Họ có cơ hội giàu lên nhanh chóng nếu các tài sản công, đặc biệt là các khoản đất đai và nhà cửa, tăng mạnh lên trong tương lai.

Có thể tham chiếu đến bài học mà nước Nga từng trải qua. Quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Nga trong những năm 1990 được xem là một giai đoạn gây nhiều tranh cãi. Dưới hình thức "cung cấp các khoản cho vay để đổi lấy cổ phần", Chính phủ đã bán phần lớn cổ phần trong các công ty nổi tiếng thuộc các lĩnh vực năng lượng, truyền thông, sắt thép để đổi lấy các khoản vay từ các ngân hàng tư nhân thuộc sở hữu của những người giàu có. Theo kỳ hạn hợp đồng được ký kết, các ngân hàng này sẽ sở hữu số cổ phần nếu Chính phủ không thể chi trả được các khoản vay nợ sau đó.

Cuối cùng, Chính phủ đã khó trả được nợ theo cam kết và phần lớn cổ phần các công ty lớn nhất nước Nga đều rơi vào tay một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt với giá rẻ. Dần dần với sức mạnh tài chính và vị thế của mình, những đại gia này đã lần lượt chi phối nền kinh tế Nga, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tạo ra một sự bất bình đẳng về sở hữu tài sản giữa các tầng lớp dân cư.

Nhưng khác với Nga, Việt Nam đang đi theo con đường minh bạch hơn rất nhiều và có những động thái tích cực. Sau hơn 20 năm thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, Việt Nam đã xuất hiện những tỉ phú đô-la đầu tiên với sức bật vượt trội. Và sau quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lần này, có thể sẽ xuất hiện một tầng lớp siêu giàu mới trong các năm tới.

Ví dụ theo hãng tư vấn Knight Frank, trong năm 2014 Việt Nam có 116 người siêu giàu (có tài sản từ 30 triệu USD trở lên). Hãng này dự báo trong thập kỷ tới Việt Nam sẽ có tốc độ tăng về tầng lớp siêu giàu nhanh nhất thế giới với tỉ lệ 159% để lên tới con số 300 đại gia siêu giàu.

Tầng lớp siêu giàu này có thể có năng lực vượt trội và nắm bắt những cơ hội kinh doanh tốt, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế quốc gia và giúp cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn so với lúc vẫn còn trong bàn tay bảo bọc của Nhà nước.

Tai san cong se di ve tay ai?

Các thương vụ thoái vốn một phần hay hoàn toàn của Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong các năm tới, như các thương vụ cổ phần hóa MobiFone, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn - Ảnh: nducthinh.com.vn

Một trường hợp điển hình là Vinacafé Biên Hòa (VCF). Doanh nghiệp này đã lọt vào tốp 50 công ty niêm yết hiệu quả nhất của NCĐT năm 2015 nhờ những kết quả kinh doanh ấn tượng. Từ khi được tập đoàn thực phẩm tư nhân Masan mua lại 53,2% cổ phần, VCF đã hưởng lợi không nhỏ từ việc tiếp cận thương hiệu lớn, cách quản trị hiện đại, kênh phân phối chuyên nghiệp và lượng khách hàng khổng lồ của Masan. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 3 năm qua của VCF đạt 23,3%, ROE lên tới 30,4%.

Tuy vậy, không phải tài sản nhà nước nào chuyển sang tư nhân cũng sẽ sinh lời như thế. Đặc biệt không cũng loại trừ có thể xuất hiện những nhà đầu tư tận dụng những kẽ hở trong quá trình chuyển giao tài sản nhà nước sang khu vực tư nhân để tạo nên những lợi ích không chính đáng, do đó có thể sẽ không mang lại những thay đổi tích cực đối với các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa.