Tái cơ cấu ngân hàng: Cần thời gian để giải quyết triệt để

Theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thời gian qua, kết quả đạt được về tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chủ yếu là do những nỗ lực và sự chủ động của ngành Ngân hàng.

Tái cơ cấu bằng nội lực

Vấn đề tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc khu vực tài chính - NH nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết vì sự phát triển lành mạnh, trong đó độ an toàn của hệ thống NH có vai trò quyết định. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines… cũng đã phải trải qua cuộc "đại phẫu" cơ cấu kinh tế và lĩnh vực tài chính - NH.

Sau khi Chính phủ ban hành Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015", NHNN đã phân kỳ ba giai đoạn cho quá trình thực hiện. Trước tiên là kiềm chế khủng hoảng và củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống NH. Thứ hai là rà soát khuôn khổ pháp lý và phân loại NH. Cuối cùng là cơ cấu lại các NH yếu kém.


Sự cương quyết từ Chính phủ trong thời gian tới sẽ giúp cho việc TCC được đẩy mạnh hơn nữa

Nhìn lại quá trình TCC hệ thống NH thời gian qua, TS. Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng điểm lại những nội dung quan trọng đã đạt được. Đó là: Từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại hối tạo môi trường thuận lợi cho việc cơ cấu lại các TCTD. Rủi ro hệ thống giảm dần, an toàn hệ thống các TCTD và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện. NHNN đã kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém, nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được giảm bớt. Các phương án cơ cấu lại NHTMCP yếu kém, kể cả hợp nhất, sáp nhập đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện.

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, các NHTM Nhà nước đã xây dựng và trình NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại, bao gồm cả công ty con từ nay đến năm 2015 phù hợp với thực trạng và hoạt động của các NH. Và có thể khẳng định, sau hai năm thực hiện Đề án TCC các TCTD, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu quan trọng khi số lượng các TCTD đã giảm đi 7 đơn vị, tạo nền tảng cho việc đẩy nhanh, vững chắc cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để tiến hành tái cấu trúc hệ thống NH một cách hiệu quả, hầu hết các nước đều lập Quỹ tái cấu trúc NH. Tùy vào mô hình nền kinh tế của từng quốc gia và quy mô của khu vực NH nói riêng, chi phí cho tái cấu trúc hệ thống NH là khác nhau. Chẳng hạn, ở Thái Lan chỉ riêng việc xử lý nợ xấu sau khủng hoảng 1997 cũng phải bỏ ra 30% GDP hay ở mức thấp như Philippines cũng với mức chi phí 4% GDP vào năm 1984.

Ở Việt Nam hiện nay, trong chương trình TCC NH và xử lý nợ xấu, về cơ bản Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống NH. Theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thời gian qua, kết quả đạt được về TCC NH và xử lý nợ xấu chủ yếu là do những nỗ lực và sự chủ động của ngành NH.

Tích cực giải quyết 3 nhóm mục tiêu

Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015". Có mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD để tới năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng. Theo PGS -TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), bám sát mục tiêu trên của lộ trình TCC các TCTD, cũng phải đến năm 2020 mới có thể khắc phục được những nhược điểm cơ bản của hệ thống TCTD trước TCC - là hệ quả của cả quá trình thay đổi và thích nghi với các điều kiện mất ổn định bên trong và bên ngoài của nền kinh tế trong suốt một thời gian dài.

"Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động phức tạp và bị ảnh hưởng nặng nề của sự suy thoái kinh tế thế giới, những kết quả đạt được của quá trình TCC là rất đáng ghi nhận", ông nhìn nhận.

Theo PGS - TS. Nguyễn Hồng Sơn, 3 nhóm mục tiêu quan trọng nhất cuối cùng là mua bán, sáp nhập các TCTD; tăng vốn điều lệ; và xử lý nợ xấu. Vừa qua, cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng cần có thời gian và giải pháp để giải quyết triệt để. Đây là một việc khó đối với bất kể quốc gia nào trong quá trình thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và hệ thống NH nói riêng.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh TCC nền kinh tế, trong đó tập trung vào TCC đầu tư công, DNNN, NHTM và TCC nông nghiệp. Với TCC NHTM, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc TCC các NH yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu. Phải kiên quyết thực hiện TCC NH vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các NH yếu kém phải được kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật.

Phó tổng giám đốc một NHTM Nhà nước cho rằng, sự cương quyết từ Chính phủ trong thời gian tới sẽ giúp cho việc TCC được đẩy mạnh hơn nữa. Đặc biệt, lời "nhắc" của Chính phủ là "cần thiết thì sáp nhập, giải thể" sẽ buộc một số NHTM còn yếu phải lựa chọn con đường duy nhất là thực hiện các nội dung tái cấu trúc nhanh hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, so với TCC đầu tư công, TCC DNNN thì mặc dù được coi là ngành nhạy cảm, nhưng hệ thống NH vào cuộc lại nhanh hơn hai trụ cột còn lại.

TS. Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank:

Nhiều điểm sáng trong bức tranh TCC hệ thống NH

Đề án TCC hệ thống TCTD là các giải pháp có tính tổng quát, đúng đắn của Chính phủ, NHNN. Trong đó đặc biệt là chủ trương khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các NH trên cơ sở tự nguyện. Nhìn lại quá trình TCC hệ thống các TCTD thời gian qua, tôi thấy có khá nhiều điểm sáng.

Đó là, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ mang tính chất dẫn dắt thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đây có lẽ là một trong những thành tựu lớn nhất mà hệ thống NH đã đạt được. Cùng với đó, chúng ta đã đảm bảo an toàn hệ thống, những vấn đề rủi ro nguy hiểm có thể làm đổ vỡ hệ thống đã bị đẩy lùi. Ngoài ra, thời gian qua, NHNN thiết lập kỷ luật thị trường tiền tệ, biểu hiện rõ thị trường ngoại tệ, vàng không còn dậy sóng, xếp hàng mua vàng…

Sự ổn định của tỷ giá đã giúp NHNN mua lượng ngoại tệ lớn, tăng nhanh dự trữ ngoại hối quốc gia trong thời gian qua. Và điểm sáng trong hoạt động TCC của hệ thống NH đó là hiệu quả đồng vốn được nâng cao đáng kể. Nếu như các năm trước tăng trưởng tín dụng đạt tới 30 - 40% thậm chí có thời điểm trên 50%/năm mà tăng trưởng GDP đâu đó 6 - 7%. 8 tháng đầu năm nay tín dụng tăng 5,5% nhưng GDP của cả nước cũng tăng gần 5,4%.

Điều này cho thấy, đồng vốn cung ứng ra thị trường ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn. Đây là thời điểm chúng ta phải đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, chú trọng đến chất lượng thay vì phát triển bề rộng.

HDBank và DaiABank là trường hợp sáp nhập đầu tiên trên tinh thần tự nguyện và thực hiện thành công. Sau khi sáp nhập, HDBank đã tạo dựng vị thế về quy mô, uy tín đối với khách hàng, nâng cao năng lực quản trị. HDBank trở thành một trong những NHTMCP lớn của Việt Nam với vốn điều lệ đạt 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản của NH đạt gần 90 nghìn tỷ đồng… NH sau sáp nhập đã kiểm soát được tình hình ổn định nhân sự, hệ thống quản trị và xử lý căn bản những tồn tại trong quá trình sáp nhập như hệ thống quản lý rủi ro, core banking, nợ xấu… Đến ngày hôm nay có thể nói HDBank đã hoàn thành tốt chương trình TCC và đang trên đường phát triển, khẳng định vị thế của mình.

Thời gian tới, để ngành NH đạt được những mục tiêu đề ra trong Đề án, việc nâng cao quản trị điều hành của NHTM thông qua áp dụng các chuẩn mực quốc tế như áp dụng Basel II… là rất quan trọng. Có thể nói trong 3 trụ cột phải tái cấu trúc là đầu tư công, DNNN, hệ thống tài chính - NH thì hoạt động TCC của NH đang đi đầu với nhiều giải pháp hữu hiệu. Nhưng để tạo động lực TCC NH được đẩy nhanh và hiệu quả thì Chính phủ có thể xem xét chính sách về miễn giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định trong quá trình thực hiện TCC, được ưu tiên tham gia các dự án quốc tế, các dự án trọng điểm quốc gia… đối với các TCTD tích cực tham gia hoạt động TCC.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB:

Hệ thống NH là lăng kính phản ánh sức khỏe của nền kinh tế

Kể từ khi thực hiện TCC bằng việc sáp nhập 3 NHTMCP là TinNghiaBank, SCB và Fistcombank, có thể nói SCB nhận được hỗ trợ đặc biệt của NHNN về cơ chế chính sách giúp cho NH sớm trở lại hoạt động kinh doanh. Trong đó cho phép SCB cho vay bình thường, từng bước hoàn thiện nâng cao các tỷ lệ an toàn… Đây là cơ sở quan trọng để SCB nhanh chóng bắt kịp thị trường, giúp NH đạt kết quả khả quan: tổng tài sản tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với thời điểm NH mới sáp nhập.

Điểm ghi nhận nữa là thời gian qua nhiều tổ chức tài chính nước ngoài gồm các quỹ đầu tư, NH có uy tín quy mô lớn trong khu vực… đã quan tâm đầu tư vào SCB. Trong quý IV/2014, SCB sẽ tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Đây là những tín hiệu khả quan thể hiện sự phục hồi của SCB trong quá trình TCC.

Nhưng nhìn chung tiến độ TCC hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng. Dù môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nhưng động lực phục hồi nền kinh tế chưa có chuyển biến tích cực thì quá trình TCC của hệ thống TCTD cũng sẽ bị chậm lại so với mong muốn. Có thể nói, hệ thống NH được coi như là lăng kính phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Nền kinh tế khỏe, hệ thống NH mới khỏe được. Nền kinh tế yếu không thể bắt NH khỏe được. Giống như bệnh nhân không hấp thụ được thuốc thì làm sao thuốc chữa bệnh phát huy tác dụng được.

Để có thể hỗ trợ đẩy nhanh quá trình TCC hệ thống TCTD, bên cạnh sự phục hồi của nền kinh tế cần có sự phối hợp đồng bộ của các chính sách khác. Ví dụ như đẩy nhanh TCC khối DNNN vì DNNN được xác định chiếm vị thế quan trọng trong nền kinh tế và đây cũng là nhóm khách hàng lớn của các TCTD. Do đó, việc đẩy nhanh TCC để hồi phục sức sản xuất của khối DNNN sẽ cải thiện đáng kể đến hoạt động kinh doanh của hệ thống NH.

Ngoài ra, các bộ ngành nên có chính sách mới, phù hợp để tạo động lực cho DN mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh như giãn thuế, đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản xuất trong nước, tìm thị trường mới, giảm thiểu thủ tục hành chính…

Đến nay các NH yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện TCC. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo theo quy định của NHNN; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu đã tích cực được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đang được củng cố, chấn chỉnh.

Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 NHTMCP yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án TCC của 24/25 NHTMCP; trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 Phương án TCC, đồng thời yêu cầu NHTMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

(Theo NHNN)