Sức cầu tiếp tục suy yếu

(NDH) Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng – một thước đo về sức tiêu dùng của khu vực tư nhân tại Việt Nam – tiếp tục tăng chậm lại trong tháng 4, ghi nhận mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm.

Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết tổng mức bán lẻ của Việt Nam trong tháng 4 ước đạt 255,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xét từ đầu năm, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ đã chậm lại đáng kể qua từng tháng, từ 13% trong tháng 1 xuống 11,6% trong tháng 2, xuống tiếp 9,4% vào tháng 3 và xuống 7,1% trong tháng 4.

Điều này ám chỉ tiêu dùng của khu vực tư nhân có vẻ đang suy yếu sau khi tăng mạnh quanh dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.042,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 8%.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của khu vực kinh tế nhà nước đạt 114,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 7,7%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 893,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 85,7% và tăng 9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 9,5%.

Xét theo ngành hàng, tổng mức bán lẻ của khu vực kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt đạt 797,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng mức và tăng 9,7%; khu vực dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 116,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2% và tăng 2,5%; khu vực du lịch lữ hành đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8% và giảm 13,1%; khu vực dịch vụ khác đạt 120,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% và tăng 11,8%.