9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK – HOSE) đạt 925,3 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ, 55% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 61,6 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ, 53% kế hoạch). Doanh thu thuần giảm chủ yếu đến từ việc giảm sản lượng tiêu thụ giảm 9% so với cùng kỳ và giá sản phẩm cũng giảm 11,3% từ đầu năm tới nay.
Lợi nhuận gộp đạt 160,6 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ) nhưng biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 lại có cải thiện đạt 17,4% so với mức 14,8% cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm do ảnh hưởng của cả giá bán và sản lượng giảm nhưng biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu giảm mạnh hơn giá bán.
Chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh gấp gần 3,7 lần cùng kỳ do đánh giá lại chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện của các khoản vay dài hạn. Hiện tại, 98% cơ cấu nợ của STK là bằng tiền USD với 6 triệu USD nợ vay ngắn hạn và 30 triệu USD nợ vay dài hạn.
Có khả năng không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015
Bộ phận Nghiên cứu-Phân tích VCBS đánh giá cao khả năng tăng trưởng của STK nhờ khả năng tăng công suất cả trong ngắn và dài hạn khi dư địa thị trường sợi dài vẫn còn nhiều, đặc biệt là sau khi TPP được kí kết sẽ giúp tăng mạnh đơn đặt hàng nội địa khi các công ty dệt may xuất khẩu phải mua nguyên liệu sợi trong nước để đạt được mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, STK sẽ phải giảm khoản chênh lệch giá giữa giá bán và giá nguyên liệu để tăng khả năng cạnh tranh và tận dụng tối đa công suất nhà máy
STK có khả năng không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đề ra do áp lực giảm giá bán và sản lượng và chi phí tài chính tăng đột biến. Theo đó, dự phòng doanh thu thuần 2015 của STK đạt 1.300 tỷ đồng (giảm 11% so với năm trước, 77% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 107,5 tỷ đồng (giảm 1% so với năm trước, 93% kế hoạch).
LNST năm 2016 có thể đạt 176 tỷ đồng
VCBS cho rằng nhu cầu thị trường nội địa sẽ cải thiện trong năm 2016 khi các nhà máy dệt may tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu sau khi TPP được kí kết cùng với luồng đầu tư FDI vào ngành dệt may tại Việt Nam. Vì vậy, sản lượng tiêu thụ của STK có thể đạt 85% công suất khả dụng so với mức 72% năm 2015, đạt 44.200 tấn thành phẩm.
Theo dự báo giá dầu giảm về mức $51,4/thùng trong năm 2016 so với mức $52,5/thùng cho năm 2015 của World Bank, VCBS cho rằng giá hạt PET trong 2016 sẽ giảm nhẹ về 93 cents/kg so với mức 94 cents/kg hiện tại.
Mặt khác, mức chênh lệch giá (giá bán – giá hạt PET) của STK cũng sẽ giảm về khoảng 80 cents/kg so với mức 84 cents/kg do khách hàng yêu cầu phải giảm giá bán khi giá nguyên liệu giảm, cạnh tranh từ Trung Quốc khi đồng VND vẫn neo cao so với các nước khác và áp lực bán hàng từ việc tăng công suất. Vì vậy, giá bán sẽ giảm về mức $1.73/kg so với mức $1.78/kg hiện tại.
Ngoài ra, theo dự báo đồng VND sẽ phá giá khoảng 2% trong năm 2016, mức lỗ tỷ giá của STK có thể ở mức 18 tỷ đồng dựa trên tổng nợ vay hiện tại khoảng 36 triệu USD. Với việc đưa nhà máy Trảng Bàng 3 vào hoạt động, khấu hao trong năm 2016 sẽ tăng mạnh ở mức 156 tỷ đồng.
Như vậy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của STK 2016 có thể đạt lần lượt 1.759 tỷ đồng và 176 tỷ đồng.