SCIC thoái vốn khỏi 10 DNNN: Người phát ngôn Chính phủ nói gì?

Các nhà đầu tư có đủ năng lực đều có thể tham gia mua cổ phần tại 10 doanh nghiệp nhà nước lớn mà SCIC sẽ thoái vốn theo giá thị trường, đây là khẳng định của người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên trước báo chí ngày 29/10.

Trao đổi với báo chí về việc Chính phủ cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hoạt động này là theo chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp, có lộ trình và bước đi cụ thể.

Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về định hướng sử dụng một phần số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Phần vốn thu về sẽ được dành cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TPHCM.

Cũng theo Bộ trưởng Nên, phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện theo quy định. Lộ trình thoái vốn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty SCIC xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương thức thoái vốn cho từng doanh nghiệp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện nhằm đạt được lợi ích cao nhất.

"Các nhà đầu tư có đủ năng lực đều có thể tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nói trên theo giá thị trường", người phát ngôn Chính phủ khẳng định.

Cũng trao đổi về vấn đề này tại phiên họp báo Chính phủ chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Chính phủ trình Quốc hội cho sử dụng 10.000 tỷ đồng từ thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước nhằm bù đắp hụt thu ngân sách trung ương 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ cố gắng để đưa con số này sử dụng trên thực tế xuống dưới 10.000 tỷ.

Trong 10 doanh nghiệp nhà nước dự kiến SCIC thoái vốn bao gồm những doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), Tập đoàn FPT, Công ty viễn thông FPT Telecom…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/10, cổ phiếu VNM tăng rất mạnh, tới 5.000 đồng tương ứng 4,4% và cổ phiếu FPT cũng tăng 1%. Thị giá của VNM hiện đạt mức 119.000 đồng/cp và cổ phiếu FPT là 49.300 đồng/cp.

Báo cáo tài chính do Vinamilk mới công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, với mức lãi gần 5.900 tỷ đồng, công ty này đã chi tới trên 2.700 tỷ đồng cổ tức cho SCIC - người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Trong khi đó, khoản chi trả lương và thù lao cho hội đồng quản trị và ban điều hành chỉ là 54 tỷ đồng.