Sáp nhập VVF vào SHB: Liệu có hời?

Sáp nhập VVF vào SHB: Liệu có hời?

(NDH) Ông Đỗ Quang Hiển cho biết sau khi sáp nhập SHB sẽ làm việc với Seabank về khoản tranh chấp 150 tỷ giữa VVF và Seabank. Ông Hiển tin tưởng sẽ giải quyết ổn thỏa vụ tranh chấp cũng như không lo mất vốn bởi tài sản đảm bảo có giá trị cao.

Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng có rất đông cổ đông tham dự đại hội được đánh giá có ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội SHB trong thời gian tới.

Cổ đông lo lắng

Ngay khi bước vào phần thảo luận, một loạt câu hỏi cũng như chất vấn của cổ đông được gửi tới ban lãnh đạo SHB.

Theo các cổ đông, kể từ sau lần nhận sáp nhập Habubank, mặc dù hoạt động kinh doanh SHB được đánh giá hiệu quả, hàng năm chia cổ tức cho cổ đông nhưng thị giá của cổ phiếu liên tục sụt giảm. Thời điểm nhận Habubank, giá SHB giao dịch trên mệnh giá ( 10.000 đồng/cổ phiếu) nhưng hiện tại chỉ quạnh 7.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau khi chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu thì thị giá của cổ phiếu SHB không quay về mức ban đầu nên việc được chia cổ tức không đem lại lợi ích như mong đợi. Bây giờ, SHB lại tiếp tục nhận CTCP Tài chính Vinaconex Viettel VVF theo chủ trương tái cơ cấu TCTD của NHNN thì khiến cổ đông lo ngại diễn biến cổ phiếu trong tương lai.

Tại đại hội, có cổ đông thẳng thắn nêu rủi ro pha loãng cũng như thoái vốn ồ ạt của cổ đông tại VVF sau khi sáp nhập. Theo vị cổ đông này, VVF có các cổ đông lớn là tập đoàn nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Do đó, khi hoán đổi cổ phần VVF thành cổ phiếu phổ thông SHB, rất có thể các cổ đông này sẽ nhanh chóng bán cổ phiếu để rút vốn về.

“Không biết lãnh đạo của SHB đã có chuẩn bị gì cho kịch bản đó chưa?” – vị cổ đông này đặt câu hỏi.

Chưa kể đến tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1 theo các cổ đông là không công bằng bởi SHB là cổ phiếu đã niêm yết trong khi VVF chưa niêm yết, giá giao dịch cũng không rõ ràng.

Không chỉ lo lắng tới thị giá của cổ phiếu SHB, các cổ đông bày tỏ sự lo ngại về đối tượng sáp nhập VVF. Theo đó, VVF đang có tỷ lệ nợ xấu rất cao, hơn 32% cùng kết quả kinh doanh đi xuống theo thời gian. Đến cuối 2014, VVF lỗ hơn 12 tỷ. Ngoài ra, một số khoản cho vay, tiền gửi của VVF chưa rõ có thu hồi được không. Cụ thể, VVF hiện đang tranh chấp với Seabank về khoản trái phiếu 150 tỷ đồng của công ty Mega Vina đã thực hiện kiện ra tòa án. Cùng với đó là khoản tiền gửi 70 tỷ đồng tại công ty Hafico đến hạn chưa được thanh toán.

“ Chủ tịch luôn ví VVF là cô gái đẹp được nhiều quan tâm nhưng với thông tin như vậy thì có vẻ như không đúng” – một cổ đông khác nêu ý kiến.

Cái lý của “bầu” Hiển

Trước ý kiến bày tỏ lo ngại của cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển lần lượt giải đáp câu hỏi và thắc mắc. Theo đó, việc sáp nhập VVF vào SHB không chỉ là chủ trương của Nhà nước mà còn xuất phát từ lợi ích phát triển của SHB.

Hiện nay, hoạt động cho vay hay cấp tín dụng tiêu dùng của SHB chịu mức trần lãi suất theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, điều này sẽ được giải quyết khi SHB có công ty tài chính riêng. Tại đề án sáp nhập VVF, SHB cũng đã nêu đề nghị với NHNN về thành lập công ty tài chính 100% vốn của ngân hàng.

“ Nếu các cổ đông theo dõi thì thấy thời gian qua các TCTD đều đi theo hướng này và các công ty tài chính sau khi về với ngân hàng có phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn, nhân lực” – ông Hiển nói.

Ngoài ra, việc có công ty tài chính giúp SHB mở rộng mạng lưới, điểm kinh doanh hiện bị hạn chế bởi quy định của NHNN.

Về tỷ lệ hoán đổi 1:1, ông Hiển cho rằng cần đánh giá dựa trên khía cạnh tài chính chuyên nghiệp. Cụ thể, giá trị sổ sách của 2 tổ chức khi định giá để sáp nhập là 1,025 : 1,035. Do đó, lãnh đạo 2 bên quyết định tỷ lệ hoán đổi 1:1 là hợp lý cũng như phù hợp với thực tế VVF chưa có giao dịch cổ phiếu.

Đối với lo lắng tỷ lệ nợ xấu, chủ tịch SHB cho rằng không chỉ nên nhìn vào con số tương đối mà xem xét đến số tuyệt đối. Tính đến tháng 9/2015, nợ xấu của VVF chỉ có 62 tỷ đồng trên tổng dư nợ là hơn 150 tỷ đồng.

Việc dư nợ cho vay của VVF nhỏ so với tổng tài sản được ông Hiển giải thích là sau khi ký hợp đồng nguyên tắc với SHB, VVF không được cho vay thêm mà chỉ tập trung thu hồi nợ. Chính vì vậy kết quả kinh doanh năm 2014 lỗ 12 tỷ đồng, nhưng đến tháng 9/2015 đã lãi 17 tỷ.

“ Tôi cho rằng năm 2014 không được cho vay ra mà chỉ lỗ 12 tỷ đồng là may” – ông Hiển bình luận.

Ngoài ra, đối với khoản nợ xấu của VVF, ông Hiển cho biết chủ yếu là các công trình xây dựng dở dang của Vinaconex đều có tài sản đảm bảo có giá trị nên việc thu hồi nợ không khó. Trong khi đó, VVF đã trích lập dự phòng 50 tỷ đồng. Đồng thời tính đến 30/9/2015, tổng tài sản của VVF là hơn 1.000 tỷ đồng thì tới hơn 645 tỷ đồng là tiền mặt gửi ngân hàng, 316 tỷ đồng là tài sản có khác.

Ông Hiển giải trình: “ Trong tài sản có khác này là 20.000 m2 từ tầng 6 đến tầng 15 của tòa nhà chợ Mơ, nếu tính rẻ 20 triệu đồng/m2 cũng đã 400 tỷ đồng chưa kể đến trụ sở tại Trung Hòa Nhân Chính. Vì vậy, tôi nói đây là cô gái đẹp cũng không sai”.

Riêng đối với khoản tranh chấp giữa VVF và Seabank, sau khi sáp nhập SHB sẽ tiếp nhận đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm khoản tranh chấp này.

“ Khi đó SHB sẽ làm việc với Seacbank. Tôi tin với mối quan hệ hợp tác giữa 2 ngân hàng sẽ giải quyết được khoản tranh chấp này. Hơn nữa, khoản trái phiếu này được đảm bảo bằng dự án BĐS có giá trị nên không lo mất vốn” – ông Hiển cho biết

Còn đối với 79 tỷ đồng gửi tại Hafico, theo cập nhất mới nhất đã có công ty tài chính Nhật Bản tiếp quản Hafico và gửi công văn tới VFF cam kết thanh toán đầy đủ theo 2 đợt là quý IV/2015 thanh toán 50% và quý IV/2016 thanh toán phần còn lại.

Còn liên quan đến việc giá cổ phiếu sụt giảm sâu, theo ông Hiển có nhiều lý do tác động còn bản thân ông không được phép cũng như không có giao dịch cổ phiếu SHB.

Ông Hiển cho biết mặc dù giá cổ phiếu thấp ông cũng rất “xót và đau lòng vì mình cũng là cổ đông” nhưng ông chỉ có thể tập trung vào điều hành quản trị ngân hàng “ đảm bảo ngân hàng phát triển bền vững, minh bạch”.

Sau phiên thảo luận khá gay gắt, cuối cùng gần 94% cổ đông có mặt tại đại hội chấp thuận chủ trương sáp nhập VVF vào SHB và đồng ý thành lập công ty TNHH tài chính tiêu dung 100% vốn ngân hàng.