Hết thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 570,37 điểm, giảm 5,70 điểm (-0,99%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 85 triệu đơn vị, trị giá 1.485,86 tỷ đồng. Toàn sàn có 50 mã tăng, 161 mã giảm và 97 mã đứng giá.
Về cuối phiên giao dịch, lực bán bị đẩy lên mức cao, hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE như BID, VIC, VNM, BVH, KDC, GAS… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Đáng chú ý, tưởng chừng như việc giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ góp phần đẩy nhiều cổ phiếu dòng dầu khí bật tăng trở lại, tuy nhiên, sau một khoảng thời gian khá dài giao dịch ở trên mốc giá tham chiếu, thì tới cuối phiên giao dịch, GAS đã quay đầu giảm 500 đồng xuống 76.500 đồng/CP. PVD cũng giảm 500 đồng xuống 57.000 đồng/CP.
Tương tự, hai cổ phiếu dòng ngân hàng là VCB và CTG đã đóng vài trò nâng đỡ thị trường trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, thì tới cuối phiên cũng chỉ dừng ở mức giá tham chiếu. Trong khi đó, các mã như BID, STB, EIB và MBB đã đồng loạt giảm giá.
Một cổ phiếu cũng gây được sự chú ý không kém đó là OGC. Phiên hôm nay, mã này đã bị bán về mức giá sàn (5.700 đồng/CP) và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt trên 4,8 triệu đơn vị.
Phiên hôm nay, trên sàn HOSE có hai mã giao dịch thỏa thuận ‘khủng’ CII và REE. Trong đó, CII giảm nhẹ 100 đồng xuống 18.600 đồng/CP và thỏa thuận hơn 8,5 triệu cổ phiếu, trị giá trên 156 tỷ đồng, còn REE giảm 300 đồng xuống 28.200 đồng/CP và cũng thỏa thuận hơn 6 triệu cổ phiếu, trị giá trên 172,6 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 84,42 điểm, giảm 1,14 điểm (-1,33%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,82 triệu đơn vị, trị giá 477,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng, 140 mã giảm và 169 mã đứng giá.
Tương tự sàn HOSE, các cổ phiếu có tính dẫn dắt trên sàn HNX như ACB, SHB, PVX, PVS, SCR, VCG… cũng đã đồng loạt giảm giá mạnh. Trong đó, KLF giảm 400 đồng xuống 10.000 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt trên 6,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVS phiên hôm nay bất ngờ đi ngược thị trường và tăng mạnh 1.000 đồng lên 27.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,7 triệu đơn vị.
Mã VIC được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 340.520 đơn vị (chiếm 83,3% tổng khối lượng giao dịch). Hiện VIC đứng ở mức giá 47.700 đồng/cp (-0,6%), tổng khối lượng giao dịch đạt 408.830 đơn vị. Các mã tiếp theo là VCB (268.640 đơn vị), CTG (240.000 đơn vị), DPM (177.840 đơn vị), KBC (150.000 đơn vị).
Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 575,81 điểm, giảm 0,26 điểm (-0,05%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,53 triệu đơn vị, trị giá 506,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng, 99 mã giảm và 151 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 85,00 điểm, giảm 0,56 điểm (-0,66%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,96 triệu đơn vị, trị giá 206,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 49 mã tăng, 102 mã giảm và 216 mã đứng giá.
Về phía cuối phiên sáng, nhiều cổ phiếu có tính dẫn dắt trên thị trường như VIC, MSN, SCR, VCG, LAS… đã đồng loạt giảm giá và khiến cả hai chỉ số lùi xuống dưới móc tham chiếu.
Phiên sáng nay, nhờ vào những diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới, các cổ phiếu thuộc dòng dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC… đều đã nhích lên trên mốc tham chiếu và tạp lực đỡ giúp cả hai chỉ số không bị giảm quá sâu. Trong đó, GAS tăng 500 đồng lên 77.500 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng lên 27.200 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có những diễn biến lình xình, phân hóa và giao dịch thận trọng trong ngày đầu Thông tư 36 có hiệu lực. Trong đó, mã VCB, BID và CTG vẫn duy trì được sắc xanh. Khép phiên sáng, CTG tăng 200 đồng lên 18.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,4 triệu đơn vị. Chiều ngược lại, mã EIB, STB, ACB và NVB đã đồng loạt giảm giá.
Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng diễn ra ảm đạm, cổ phiếu có giao dịch nhiều nhất trên HOSE là TTF với 2,47 triệu đơn vị, đứng ở mức 12.600 đồng/cp (1,61%). Trên sàn Hà Nội, vị trí số 1 thuộc về mã KLF với 2,57 triệu đơn vị, đứng ở mức 10.300 đồng/cp (-0,96%).
Ngày đầu tiên Thông tư 36 có hiệu lực, sau một hồi tăng giá khá tích cực, một số cổ phiếu dòng ngân hàng như BID, CTG và SHB đã lùi về đứng ở mức giá tham chiếu. Trong khi đó, STB, EIB, NVB và ACB đã đồng loạt giảm giá. VCB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất còn duy trì được sắc xanh. Hiện tại, VCB đang tăng 200 đồng lên 35.900 đồng/CP.
Trong khi đó, các cổ phiếu lớn trên cả hai sàn đang phân hóa tương đối mạnh và khiến hai chỉ số giằng co trong biên độ hẹp.
Hôm nay chính thức áp dụng Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, và việc này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng tác động trên chỉ là ngắn hạn.
Thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với thông tin giá dầu tăng vọt 8% do số giàn khoan của Mỹ giảm. Ngay từ đầu phiên giao dịch, các cổ phiếu thuộc dòng dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVS, PGS… đã đồng loạt tăng giá.
Trong đó, GAS tăng 1.000 đồng lên 78.000 đồng/CP, PXS tăng 500 đồng lên 21.500 đồng/CP. Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu lớn khác trên sàn HOSE là BVH, KDC, CII… cũng đã nhích lên trên mốc tham chiếu và giúp chỉ số VN-Index có được mức tăng điểm nhẹ.
Trong khi đó, mặc dù các cổ phiếu dòng dầu khí trên sàn HNX cũng đồng loạt tăng, nhưng chỉ số HNX-Index vẫn đang giảm điểm nhẹ do thiếu lực đỡ từ các cổ phiếu có tính dẫn dắt khác. Trong đó, các mã như ACB, BVS, SHS… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Đến 09:21, chỉ số VN-Index đứng ở mức 576,99 điểm, tăng 0,92 điểm (0,16%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,8 triệu đơn vị, trị giá 46,8 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cùng thời điểm đứng ở mức 85,23 điểm, giảm 0,33 điểm (-0,39%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,255 triệu đơn vị, trị giá 31,070 tỷ đồng.
Sự kiện đáng chú ý này 2/2/2015:
CII: Ngày GD 8.536.000 CP niêm yết bổ sung.
HDC: Ngày GD 13.703.458 CP niêm yết bổ sung.
NTP: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.
TNG: Ngày GD 1.480.531 CP niêm yết bổ sung.