Quý I/2015 tổng mức bán lẻ tăng 10%

(NDH) Dù giảm trong tháng 3 nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam vẫn tăng mạnh với mức 10% trong quý I

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức hàng hóa bán lẻ trong tháng 3 ước đạt 253,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 216,6 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2%; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3%.

Theo lý giải của GSO, do tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên Đán nên sức mua yếu hơn so với tháng trước, dẫn đến doanh thu của một số ngành hàng giảm.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ vẫn tăng 9,4%.

Tính chung cả quý 1/2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 9,2%, cao hơn so với mức tăng 5,1% của cùng kỳ năm 2014.

Trong 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của khu vực kinh tế nhà nước đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng số và tăng 1,6%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 678,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 85,8% và tăng 11,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 11%.

Xét theo ngành hàng, tổng mức bán lẻ của khu vực kinh doanh bán lẻ hàng hóa quý 1 đạt 604,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,4% tổng số và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 89,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 8,8%; dịch vụ khác đạt 90,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 13,3%; du lịch lữ hành đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8% và giảm 12,8%.