Với kỳ vọng từ những thay đổi trong Nghị định mới ban hành, người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng xăng dầu với mức giá hợp lý hơn, việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ ít gây ra bức xúc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, sự thay đổi về biên độ điều chỉnh giá và thời gian điều hành giá vẫn không phù hợp trong điều kiện thị trường chưa có cạnh tranh. Về bản chất, vẫn là "bình mới rượu cũ" so với quy định trước đó.
Sửa phần ngọn
Doanh nghiệp sẽ được quyết giá xăng nhưng vẫn phải tuân theo giá thế giới. Tuy vậy, DN kinh doanh trên nguyên tắc lợi nhuận, các công cụ điều tiết thuế cần phải linh hoạt hơn nữa. Cơ quan quản lý muốn điều hành tốt giá mặt hàng xăng trong bối cảnh chưa có cạnh tranh tự do thì buộc phải nâng cao vai giám sát. Phải thường xuyên kiểm toán các chi phí hoạt động của DN. (TS Nguyễn Minh Phong) |
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả trao đổi với Đại Đoàn Kết: Đáng lẽ trong một môi trường kinh doanh chưa có tính cạnh tranh thì cách thức điều hành phải tạo điều kiện để gia tăng tính cạnh tranh. Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đơn giản là bản chắp nối và sửa đổi phần ngọn của Nghị định 84 nên không mới và không có gì đột phá.
Điều quan trọng hơn là cơ chế điều hành về giá, kiểm soát giá tiếp tục phân chia hai bộ Công thương - Tài chính. Khi tiến tới cải cách thủ tục hành chính thì mỗi bộ quản lý chuyên sâu một lĩnh vực, cơ quan kiểm soát giá là Bộ Tài chính sẽ nắm trọng yếu phần lớn cách điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Nghị định mới lại chia thêm quyền cho Bộ Công thương nhiều hơn. Hai cơ quan hành chính cùng quản một mặt hàng. Với một phần cơ cấu giá như Quỹ bình ổn, thuế thuộc bộ Tài chính. Bộ Công thương quản lý thị trường xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu. Bộ Công thương có trách nhiệm công bố giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành…. Ông Long cho rằng những quy định này chưa rõ ràng. Khi người tiêu dùng than phiền về giá tăng nhanh giảm chậm, hay giá không sát với giá thế giới thì hai bộ dễ "đá bóng trách nhiệm” cho nhau.
Theo Nghị định 83, biên độ điều chỉnh giá bán lẻ dựa trên giá cơ sở được áp dụng như sau: khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng 3%, từ trên 3% đến 7% và trên 7% thì sẽ có các điều chỉnh tương ứng; trong khi biên độ này ở Nghị định 84 cũ lần lượt là: 0-7%, từ trên 7% đến 12% và trên 12%.
Nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% trở xuống so với giá cơ sở liền kề trước đó thì thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá tương ứng. Giá cơ sở biến động khoảng từ 3 đến 7% thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá một phần, một phần sử dụng Quỹ bình ổn giá nhằm giảm bớt mức giá điều chỉnh. Nghị định quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày với trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Theo quan điểm của ông Ngô Trí Long, chẳng qua Nghị định mới chỉ thu hẹp biên độ điều chỉnh giá. Thị trường xăng dầu cũ có hẳn Nghị định 84 với những quy định tương tự nhưng chưa bao giờ được thực hiện vận hành theo đúng nghĩa. Tức là có nói đến biến động giá cơ sở, nhưng từ trước đến giờ cơ quan quản lý đang điều hành theo giá trần.
Bản chất của Nghị định 83 mới chỉ là chia nhỏ biên độ biến động giá cơ sở. Và quyền định giá vẫn là DN mà cụ thể là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Các biểu giá đều lấy số liệu từ tập đoàn này. Tập đoàn lại đang chiếm thị phần chính trên "miếng bánh” kinh doanh xăng dầu. "Bộ Tài chính và Công thương quay lại với cách điều hành cũ là dựa trên báo cáo của DN, đưa ra quyết sách. Như vậy là trái với quy luật thị trường, là duy ý chí”, ông Long nhận xét.
Người tiêu dùng cần sự minh bạch trong cách điều hành
và quản lý ngành xăng dầu, không nửa vời như hiện nay
Ảnh:Hoàng Long
Bản chất không đổi, không thể có đột phá
Theo Nghị định 83, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có). Quá thời hạn 3 ngày làm việc, nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh, nhưng không được vượt quá 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó. |
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú từng trần tình rằng, những quy định mới trong Nghị định 83 sẽ làm cho giá bán trong nước phản ánh sát hơn diễn biến giá thế giới. Nếu tính toán với mức bán lẻ giá xăng đang ở ngưỡng 24.000 đồng/lít, thì việc điều chỉnh trên dưới 3% trong mỗi lần điều chỉnh sẽ khiến giá xăng dao động thêm 700-750 đồng/lít. Bộ Công thương cho rằng, đây là phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên nhiều người lo ngại, khi biên độ giá cơ sở biến động 3% DN được quyền điều chỉnh giá có nghĩa là trao thêm quyền cho DN. Khi đó, tần suất điều chỉnh giá sẽ nhiều hơn, dày đặc hơn. Và thậm chí giá sẽ chỉ có tăng mà ít giảm.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nghị định mới ghi, khi giá tăng đến mức độ thì mới được sử dụng Quỹ để bình ổn giá trong nước. Chỉ có Chính phủ mới có quyền quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao trách nhiệm cho Bộ Công thương, Bộ Tài chính phối hợp triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá. Ví dụ, áp dụng bình ổn theo phương án giữ giá bán hoặc tăng giá bao nhiêu, còn bao nhiêu sử dụng Quỹ bình ổn...
Về việc này, ông Long bình luận rằng: "Tôi đọc còn thấy khó hiểu, Quỹ bình ổn vẫn chưa rõ ràng cách thức áp dụng”.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu vẫn chưa thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Khi gốc vấn đề là thị trường xăng dầu cạnh tranh chưa được hình thành, chưa có điều đó thì Nghị định 83 dù mới vẫn không thể thoát được tư duy điều hành phi thị trường.