QNS: EPS 9 tháng đạt 7.426 đồng, "nồi cơm" Vinasoy tăng trưởng mạnh

(NDH) Vinasoy đang dẫn đầu thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh với doanh thu 9 tháng tăng 27%. Đóng góp vào doanh thu của Đường Quãng Ngãi còn có những sản phẩm khác như bia Dung Quất, bánh BiscaFun, đường An Khê, đường Phổ Phong…

Lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng 44%, EPS đạt 7.426 đồng

Kết quả kinh doanh của CTCP Đường Quảng Ngãi (DN đại chúng chưa niêm yết) ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Riêng lợi nhuận tăng 44%.

Doanh thu bán hàng 9 tháng đầu năm đạt 5.993 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lãi gộp tăng hơn 16%, đạt 1.695 tỷ đồng. Biên lãi gộp quý này giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Đóng góp phần lớn doanh thu cho QNS là Nhà máy Vinasoy, bên cạnh các sản phẩm có tiếng khác như bia Dung Quất, bánh BiscaFun, đường An Khê, đường Phổ Phong… Vinasoy cũng là bộ phận đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận (37,8%). Theo sau là nước khoáng Thạnh Bích (26,3%) và Biscafun (22,5%), bia Dung Quất (19,7%)...

Cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm 2015

Trong khi doanh thu tăng thì chi phí bán hàng giảm 5,5%. Nhờ tăng doanh thu và tiết giảm chi phí bán hàng, lãi ròng 9 tháng đầu năm của Đường Quảng Ngãi đạt 883 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch 7.531 tỷ đồng doanh thu, Đường Quảng Ngãi hiện đã hoàn thành 79,6% kế hoạch đề ra. Tại ĐHĐCĐ thường niên, QNS đặt mức lợi nhuận năm 2015 chỉ vỏn vẹn 154,7 tỷ đồng, kết quả kinh doanh 9 tháng đã cao gấp 5,7 lần kế hoạch. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phần Đường Quảng Ngãi đạt 7.426 đồng/cổ phiếu.

Năm 2014, doanh nghiệp này "chi đậm" cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 50%, bao gồm 30% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. ĐHĐCĐ đã đề ra mức cổ tức tối thiểu cho năm 2015 là 15%.

Tính đến cuối quý III/2015, tổng tài sản của Đường Quảng Ngãi tăng 9,14% so với đầu năm, đạt 4.305,65 tỷ đồng. Đường Quảng Ngãi đang sở hữu lượng tiền dồi dào. Ngoài lượng tiền và tương đương tiền sẵn có hơn 459,8 tỷ đồng, QNS còn đang gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn 1.200 tỷ đồng.Tồn kho đến cuối quý III xấp xỉ 345,4 tỷ đồng. Các tài sản cố định (nhà máy, phương tiện...) hiện có giá trị xấp xỉ 1.601 tỷ đồng.

Vinasoy- Nồi cơm của Đường Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng mạnh

Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đóng góp tới 48% doanh thu của Đường Quảng Ngãi và là thương hiệu có tiếng vang nhất của doanh nghiệp này. Vinasoy tiền thân là Nhà máy Sữa Trường Xuân. Quyết định lựa chọn thị trường ngách là sữa đậu nành đã giúp Trường Xuân không chỉ thoát khỏi nguy cơ phá sản mà còn giữ vị thế đứng đầu trong ngành hàng sữa đậu nành đóng hộp của Việt Nam.

Nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa đậu nành tăng trưởng đều đặn trong các năm gần đây tại Việt Nam. Theo công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen Việt Nam, người Việt Nam tiêu thụ 613 triệu lít sữa đậu nành trong năm 2014, tăng 53% so với năm 2010.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 32% là các sản phẩm đóng hộp, còn lại là sữa đậu nành tự nấu hoặc tại các quán hàng. Vinasoy qua nhiều năm vẫn là ông lớn chiếm lĩnh vị trí số 1 ở riêng sữa đậu nành đóng hộp. Thị phần năm 2014 đạt 82,74%. Gần 18% còn lại là các đại gia Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Tribeco...

Năm 2015, quy mô kinh doanh của Vinasoy tiếp tục được mở rộng. Cụ thể, doanh thu 9 tháng đầu năm của riêng Nhà máy Sữa Đậu nành Việt Nam đạt 2.862 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2014. Biên lãi gộp đạt 37,8%, dù thấp hơn so với cùng kỳ (41,5%) nhưng vẫn ở mức khá cao.

Hiện Vinasoy có 2 nhà máy tại Quảng Ngãi và Bắc Ninh. Đầu tháng 9/2015, Nhà máy Bắc Ninh giai đoạn 2 đã đi vào hoạt động nâng công suất của nhà máy tại đây từ 90 triệu lít/năm lên 180 triệu lít/năm.

Từ tháng 7/2015, Vinasoy tiếp tục đầu tư Dự án Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương với công suất 180 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 1 có công suất 90 triệu lít/năm. Dự án này dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2016, tổng mức đầu tư hơn 898 tỷ đồng. Việc liên tục mở rộng công suất sản xuất là cơ sở để Vinasoy gia tăng quy mô trong ngành hàng sữa đậu nành đóng hộp mà công ty đang dẫn đầu.

Với đà tăng trưởng hấp dẫn, ngành hàng này cũng đang thu hút các doanh nghiệp khác gia nhập.

Cuối tháng 9/2014, NutiFood và HAGL đã ký kết hợp tác phát triển dự án vùng nguyên liệu cho sữa đậu nành và dự kiến 3 tháng sau công bố sẽ đưa ra thị trường sản phẩm. HAGL với lợi thế về đất (quỹ đất dự kiến 1.000 ha và tăng lên 3.000 ha trong 5 năm tới) trong khi Nutifood có sẵn thương hiệu, kênh phân phối. Cái bắt tay của hai ông lớn này được đánh giá sẽ gia tăng cạnh tranh trong thị trường sữa đậu nành đóng hộp.